TP.HCM lọt top 4 thị trường BĐS đáng đầu tư nhất châu Á 2017

29/11/2016 06:41

Thị trường BĐS tại các thành phố khu vực Nam Á sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2017. Trong đó, TP.HCM được xếp hạng thứ 4 trong năm 2017, tăng 1 bậc so với xếp hạng năm 2016.

TP.HCM lọt top 4 thị trường BĐS đáng đầu tư nhất châu Á 2017

Theo khảo sát mới nhất của tổ chức nghiên cứu Urban Land Institute cùng PricewaterhouseCoopers LLP (PwC), bất động sản (BĐS) thương mại sẽ là chìa khóa tăng trưởng cho thị trường BĐS tại các thành phố thuộc châu Á.

Trong đó, thị trường BĐS tại các thành phố khu vực Nam Á sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2017. Trong đó, TP.HCM được xếp hạng thứ 4 trong năm 2017, tăng 1 bậc so với xếp hạng năm 2016.

Sự bùng nổ của hoạt động thuê ngoài (outsourcing), hay BPO (Bussiness Process Outsourcing – gia công quy trình kinh doanh) và mở rộng sản xuất của các hãng công nghệ lớn đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng văn phòng mới tại các quốc gia châu Á. Trong số đó, Ấn Độ được nhắc tới không chỉ vì là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất thế giới, mà còn bởi đây là thị trường BĐS đáng để đầu tư nhất tại châu Á trong năm 2017.

Theo kết quả khảo sát, Bangalore và Mumbai là các thành phố có thị trường BĐS tiềm năng hàng đầu, vượt qua hàng loạt tên tuổi khác trong 22 thị trường châu Á được nghiên cứu.

“Không có gì để nghi ngờ việc ngành công nghiệp BPO mở rộng đã gia tăng nhu cầu đối với các BĐS văn phòng, nhà xưởng thương mại tại Ấn Độ, giúp các nhà đầu tư sớm đặt nền móng tại thị trường này thu về lợi nhuận tốt. Cho tới hiện tại, đây vẫn là một trong những thị trường BĐS tiềm năng nhất tại châu Á”, khảo sát trên cho biết.

Khảo sát này được tiến hành trước thời điểm chính quyền Ấn Độ đưa ra quyết định bất ngờ gây sốc là hủy bỏ đồng tiền 500 và 1.000 rupee, hiện chiếm tới 86% giá trị lượng tiền đang lưu thông tại quốc gia này. Chính sách này nhằm mạnh tay kiểm soát tình trạng không kê khai các khoản tiền nhằm trốn thuế và tình trạng tham nhũng tại Ấn Độ, tuy nhiên, trong ngắn hạn đã gây nên những náo loạn đối với cuộc sống của người dân nơi đây.

PwC không có bình luận về việc chính sách này có ảnh hưởng như thế nào tới sức hấp dẫn của thị trường BĐS Ấn Độ trong thời gian tới.

Trong năm 2017, thị trường BĐS tại các thành phố khu vực Nam Á trở nên hấp dẫn hơn. Trong đó, TP.HCM được xếp hạng thứ 4 trong năm 2017, tăng 1 bậc so với xếp hạng năm 2016.

Một thay đổi trong bảng xếp hạng năm nay là việc TP.Tokyo (Nhật Bản) rơi từ vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng năm 2016, xuống vị trí thứ 12 trong danh sách năm 2017. Điều này phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của giới đầu tư, khi các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản không đủ sức thay đổi tình trạng trì trệ hiện tại.

Việc tốc độ tăng trưởng kinh tế không có sự cải thiện đã làm tổn hại tới triển vọng trong ngắn hạn đối với hoạt động cho thuê văn phòng, cho dù tỷ lệ các văn phòng còn trống tại Tokyo không ở mức quá cao. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất âm cũng là một nguyên nhân khiến Tokyo bị tụt hạng trong danh sách này, bởi điều này dẫn tới việc các nhà phát triển BĐS thiếu sự thúc đẩy trong việc bán hàng.

Tokyo không phải là thị trường duy nhất đi lùi, Singapore từng xếp vị trí thứ nhất năm 2011 và 2012, thứ 11 năm 2016, đã tụt xuống vị trí thứ 21 trong danh sách năm 2017. Theo PwC, đây là “cơn bão hoàn hảo” đối với thị trường BĐS tại quốc gia này. Theo đó, giá BĐS tại Singapore đã giảm trong 12 quý liên tiếp, trong khi số liệu kinh tế mới nhất được công bố cho thấy, nền kinh tế này tiếp tục giảm trong quý III - 2016.

Chính quyền Singapore rất kiên định với chính sách kiềm chế tốc độ tăng giá của thị trường BĐS, duy trì biến động giá ở lĩnh vực này ở mức rất thấp kể từ những biến động năm 2009.

Bên cạnh việc công bố danh sách các thị trường BĐS mà nhà đầu tư cần để tâm tới năm 2017, khảo sát của PwC cũng nhấn mạnh tới việc giới đầu tư châu Á đang tìm cách đa dạng hóa, phân tán các khoản đầu tư ra ngoài khu vực, đặc biệt là tới New York và London, nhất là đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Kể từ khi sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit bắt đầu, các nhà đầu tư Trung Quốc đã ồ ạt thâm nhập thị trường BĐS London nhân cơ hội đồng bảng Anh xuống giá và viễn cảnh tiêu cực từ Brexit khiến giá BĐS đi xuống. Thực tế, không riêng London, người mua từ Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS tại bất kỳ thị trường nào trên toàn cầu, trong đó có Canada, Singapore, New York, New Zealand…

Giới đầu tư Trung Quốc bị thúc giục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ngoài bởi đồng nhân dân tệ suy yếu, giá thị trường BĐS nội địa không ngừng gia tăng, cùng với tham vọng sở hữu các tài sản an toàn tại nước ngoài nở rộ. 

>4 yếu tố có thể gây bất ổn cho thị trường BĐS TP.HCM

>Sửa đổi Thông tư 36: Tạo vốn dài hạn cho thị trường BĐS

> Thị trường BĐS: Thấy gì từ sự trở lại của các NĐT Nhật Bản?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM lọt top 4 thị trường BĐS đáng đầu tư nhất châu Á 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO