TP.HCM kiến nghị về vốn đầu tư phát triển

NGÔN DÂN| 28/06/2017 07:07

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Nghị định số 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã mở ra một số thuận lợi nhất định cho TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù cho thành phố.

TP.HCM kiến nghị về vốn đầu tư phát triển

Thiếu hàng chục nghìn tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung khẩn cấp, đồng thời kiến nghị Trung ương nhiều giải pháp cùng cơ chế đặc thù để thành phố phát triển bứt phá, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Đọc E-paper

Các kiến nghị này đã được nêu ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo TP.HCM vào cuối tuần qua.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế của thành phố tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ 2016, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,76%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 451.003 tỷ đồng, tăng 10,3%.

Trong 6 tháng, thành phố thu ngân sách 173.000 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là 8,4 - 8,7% trong năm 2017. Để đạt được con số này, rất cần trung ương tạo điều kiện để thành phố phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách cả nước.

Những kiến nghị mà lãnh đạo UBND TP.HCM đưa ra tập trung cho đầu tư phát triển. Trong đó, riêng về nguồn vốn ODA, thành phố kiến nghị bổ sung gần 18.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và chương trình cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn 2), trước mắt tạm ứng 3.303 tỷ đồng cho tuyến đường sắt đô thị số 1.

Thành phố cũng kiến nghị được tiếp nhận 200 triệu EUR từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ cho một số hạng mục tuyến đường sắt đô thị số 2, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho 36 công trình chống ngập cấp bách.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển, như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Liên quan đến nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, UBND TP.HCM mong muốn được chủ động sử dụng các khoản thu này. Thành phố đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DNNN từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình đầu tư công quan trọng, cấp bách.

Do vậy, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố là đại diện chủ sở hữu và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác do UBND thành phố làm chủ sở hữu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Nghị định số 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã mở ra một số thuận lợi nhất định cho TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù cho thành phố.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan, trong đó có việc xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng TP.HCM. Khi đã có quy hoạch này thì các địa phương mới có những chương trình hợp tác.

Sau khi tiếp nhận các kiến nghị của TP.HCM và lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế TP.HCM phát triển tốt thì kinh tế cả nước mới phát triển tốt được. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố vượt qua tư tưởng đã phát triển đạt ngưỡng, không thể phát triển đột phá cũng như xua tan "tâm lý an toàn" mà phải mạnh dạn thay đổi tư duy, tìm tòi ý tưởng mới để phát triển nhanh, phát triển bền vững.

"Chính phủ sẽ cùng giải quyết những khó khăn và song hành cùng thành phố, với cách làm mới của thành phố” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đối với những kiến nghị của lãnh đạo thành phố, Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp để giải quyết và gắn trách nhiệm trong việc tập trung giải quyết các nút thắt của thành phố. Trung ương sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho thành phố phát triển.

>>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM kiến nghị về vốn đầu tư phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO