TP.HCM kiến nghị đầu tư hạ tầng theo hình thức công tư

KHÁNH ĐINH| 18/04/2017 01:15

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hợp đồng BT- xây dựng - chuyển giao.

TP.HCM kiến nghị đầu tư hạ tầng theo hình thức công tư

Nhằm nhanh chóng kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, trung tâm Thành phố, các cửa ngõ ra vào Thành phố, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các công trình hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP), chỉ định thầu.  

Đọc E-paper

Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hợp đồng BT- xây dựng - chuyển giao.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện công trình này gồm Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620, Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Cùng với đó, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) theo hướng di dời Cảng Tân Thuận đến vị trí phù hợp tại cảng Hiệp Phước. Đơn vị đề xuất di dời Cảng Tân Thuận sẽ chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng cảng tại Hiệp Phước, di dời Cảng Tân Thuận và đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Khu vực bến cảng Tân Thuận hiện nay sẽ được chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố.

Để giảm thiểu ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và khai thác cầu Thủ Thiêm 4 khi cảng Tân Thuận chưa được di dời toàn bộ, Thành phố kiến nghị cho phép Cảng Sài Gòn được khai thác khu bến cảng Tân Thuận hiện hữu như là bến ICD chuyển tải hàng hóa ra khu cảng Hiệp Phước với sà lan có tĩnh không nhỏ hơn 10 mét.

UBND TP.HCM đã kiến nghị cơ chế đầu tư PPP để xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu (tên cũ là cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông) đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái, xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh, xây dựng đường trên cao số 1, mở rộng quốc lộ 22, xây dựng cầu Cần Giờ, đường trục bắc - nam (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh), xây dựng đường trục bắc - nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến KCN Hiệp Phước.

Song song với các công trình hạ tầng kết nối, một trong những biện pháp nhằm giải tỏa áp lực ùn tắc giao thông trong nội đô, Thành phố đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cụ thể là tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên Văn hóa Tao Đàn, xây dựng trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, để giảm thiểu nạn ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, năm 2017, Thành phố sẽ triển khai khoảng 80 công trình giao thông với tổng vốn đầu tư trên 39.000 tỷ đồng, trong đó, đặt mục tiêu khai thác tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm giảm tải cho ngân sách. Do vậy, trong 80 công trình này sẽ có 24 công trình triển khai thông qua hình thức hợp tác công tư với sốvốn khoảng 12.153 tỷ đồng.

>>Giao thông đường sắt cần một bước nhảy vọt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM kiến nghị đầu tư hạ tầng theo hình thức công tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO