TP.HCM: 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 36,2%

T.Hải| 04/05/2023 01:00

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt trên 170.021 tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán và giảm 3,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do cả 3 khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 118.346 tỷ đồng, đạt 38,5% dự toán, chiếm 69,6% tổng thu cân đối và giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 11.573 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán, chiếm 6,8% tổng thu và tăng 4,7%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 39.494 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán, chiếm 23,2% tổng thu và tăng 11,2%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 10 ước thực hiện 28.738 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán, chiếm 16,9% tổng thu và tăng 2,4%.

Thu dầu thô ước thực hiện 8.585 tỷ đồng, đạt 53,7% dự toán, chiếm 5,1% tổng thu cân đối và giảm 6,6%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 43.090 tỷ đồng, đạt 29,6% dự toán, chiếm 25,3% tổng thu cân đối và giảm 6%.

Với tiến độ thu ngân sách hiện nay, theo ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, thành phố có thể đảm bảo thu đủ theo dự toán gần 470.000 tỷ đồng mà Trung ương và HĐND TP.HCM đã giao cho năm 2023.

Tuy nhiên, nếu tính riêng số thu hằng ngày lại ghi nhận giảm dần. Theo ông Minh, lượng tiền mặt đổ về kho bạc đã giảm dần. Để đạt được tổng mức thu gần 470.000 tỷ đồng theo kế hoạch, trước đây mức thu bình quân mỗi ngày của TP.HCM đạt khoảng 1.700-1.800 tỷ đồng, đến cuối tháng ba và tháng tư vừa qua, mức thu chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng/ngày.

-6986-1683169625.jpg

Cũng theo Sở Tài chính TP.HCM, cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến số thu sụt giảm là do có liên quan đến khoản thu ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Năm 2022 khoản thu từ chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán đang vận hành tốt. Với những diễn biến thị trường đã xảy ra, hiện mức thu từ các hoạt động bất động sản đã giảm trên 50%, bao gồm cả thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và thu từ hoạt động chuyển nhượng của các công ty bất động sản. Bên cạnh đó, khoản thu từ dịch vụ chứng khoán cũng ghi nhận giảm trên 70% do thanh khoản thị trường sụt giảm sâu.

Dù đã đi qua 1/3 chặng đường và khả năng sẽ hoàn thành dự toán được giao, tuy nhiên áp lực lên hoạt động thu ngân sách ở TP.HCM vẫn hiện hữu rất lớn khi kinh tế thành phố còn không ít khó khăn, thách thức.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong tháng 4 vừa qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, số vốn doanh nghiệp đăng ký đầu tư bổ sung cũng giảm 59%. Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 4 vừa qua là hơn 240.000 tỷ đồng, giảm tới 43,33 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong tháng Tư ghi nhận tăng gần 24%, với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ; và có 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Mặt khác, đầu tư nước ngoài vốn là một trong những điểm sáng của TP.HCM trước đây, đang có chiều hướng giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút được gần 980 triệu USD, giảm 23,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 36,2%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO