Top 500 DN lớn nhất 2012: DN nhà nước chiếm ưu thế

P.V| 11/12/2012 05:57

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012 vừa được công bố.

Top 500 DN lớn nhất 2012: DN nhà nước chiếm ưu thế

Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) 2012 vừa được công bố. Đây là kết quả nghiên cứu do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietnamNet thực hiện.

Bảng xếp hạng là sự ghi nhận cũng như đánh giá khách quan kết quả hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được trong mỗi một năm tài khóa, dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune500 của Hoa Kỳ.

Bên cạnh VNR500, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân là có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%.

Để đủ tiêu chuẩn lựa chọn xem xét xếp hạng trong VNR500 mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của doanh nghiệp phải trên 1.400 tỷ đồng; và trong VNR500 khối tư nhân, doanh nghiệp phải đạt trên 660 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng đầu VNR500 năm 2012, tiếp theo cũng là 2 DN nhà nước khác: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Các vị trí tiếp theo trong top 10 là: Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam, Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012, xét theo kết quả hoạt động kinh doanh của năm tài khóa

Trong VNR500 khối tư nhân, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đứng ở vị trí đầu tiên, xếp thứ hai là Ngân hàng TMCP Á Châu, thứ ba là Công ty CP FPT; các vị trí tiếp theo: Công ty CP Sữa Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP XKN Việt Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.

Qua bảng xếp hạng có thể thấy, top 10 doanh nghiệp lớn nhất của VNR500 năm 2012 vẫn bị chi phối bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, bảng xếp hạng VNR500 năm nay có sự xuất hiện khá bất ngờ của Samsung Electronics Vietnam trong Top 5 doanh nghiệp lớn nhất.

Xem bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2012

Đối với VNR500 khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, những ông lớn vẫn là các tên tuổi quen thuộc như Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, Tập đoàn FPT hay Ngân hàng TMCP Á Châu.

Số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong bảng VNR500 tăng dần đều qua 6 năm xếp hạng, thể hiện ở tổng số doanh nghiệp đang giảm dần.

Khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tới hơn 63% trong tổng số doanh thu của các doanh nghiệp thuộc VNR500 năm 2012, tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 2 trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước luôn là những địa phương dẫn đầu về số doanh nghiệp lớn từ quy mô, doanh thu tới lợi nhuận. Với hơn 57% số doanh nghiệp VNR500 năm 2012 nằm trên địa bàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tổng doanh thu đạt được trong năm 2011 chiếm lần lượt 46,5% và 27,7% trong tổng doanh thu của VNR500, một lần nữa, hai thành phố lớn lại vững vàng chốt tại vị trí đầu tiên xét theo địa phương của VNR500.

Xem Bảng xếp hạng 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2012

Điểm đặc biệt gây ấn tượng trong bảng xếp hạng năm nay là việc xuất hiện của Bắc Ninh trong top 5 địa phương có các doanh nghiệp VNR500 xét về tiêu chí tổng doanh thu, trong đó toàn bộ đóng góp đến từ nhóm doanh nghiệp FDI. Kết quả này chủ yếu nhờ đóng góp của Công ty THHH Samsung Electronics Việt Nam, là công ty nhận được nhiều ưu đãi của chính phủ Việt Nam, cùng với chiến lược đầu tư quy mô lớn. Doanh thu xuất khẩu của Samsung đã góp phần lớn giúp Samsung lần đầu tiên lọt vào top 10 của bảng VNR500.

Vietnam Report cho biết, trong khuôn khổ trả lời nghiên cứu, có tới 50% lãnh đạo các doanh nghiệp VNR 500 nhận định rằng tình hình hoạt động của doanh nghiệp của họ xấu hơn so với năm 2011. Chỉ có 19% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012 của họ tốt hơn so với năm 2011. Gần 100% đại diện của ngành ngân hàng tài chính chỉ ra rằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 không bằng năm 2011. 60% các doanh nghiệp sắt thép - xây dựng cũng chia sẻ nhận định này.

Đa số (chiếm hai phần ba) doanh nghiệp được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi được trong năm 2013, chỉ có 33% cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục trong sáu tháng cuối năm 2013, trong khi chỉ 1% tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi 6 tháng tới.

Trong bối cảnh khó khăn nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn VNR500 sẽ đương đầu với nhiều thử thách trong năm 2013, nhưng đó cũng chính là các cơ hội để các doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Top 500 DN lớn nhất 2012: DN nhà nước chiếm ưu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO