Tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước đạt được

22/07/2009 00:34

Đó là con số thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước đạt được

Đó là con số thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố. Trong đó, xuất khẩu là 27,6 tỷ USD, giảm 10,2% và nhập khẩu là 29,73 tỷ USD, giảm 34,1%. Trong tháng 6/2009, nhập siêu 1,16 tỷ USD, giảm 7,1% so với tháng trước, nâng tổng mức thâm hụt cán cân thương mại 6 tháng đầu năm lên 2,14 tỷ USD, bằng 7,7% xuất khẩu. Xuất khẩu

Tháng 6/2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với tháng 5/2009. Giá xuất khẩu bình quân tháng 6 tiếp tục tăng so với tháng 5 ở rất nhiều nhóm mặt hàng như: hạt điều tăng 159 USD/tấn, hạt tiêu tăng 141 USD/tấn, dầu thô tăng 94 USD/tấn, cà phê tăng 29,3 USD/tấn…

Ngoài ra, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng tăng so với tháng 5. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: Dệt may: tăng 149 triệu USD, hàng thủy sản: tăng 63,1 triệu USD, cao su: tăng 35,4 triệu USD, dầu thô: tăng 31,5 triệu USD, than đá: tăng 21,7 triệu USD, giày dép các loại: tăng 20,2 triệu USD…

Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu trong tháng 6/2009 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng trước; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này 2 quý đầu năm lên 10,26 tỷ USD và chiếm 37,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính

Hàng dệt may: Xuất khẩu trong tháng 6/2009 đạt 846 triệu USD, tăng 21,5% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 6 tháng lên 4,12 tỷ USD.

Trong 2 quí đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam với trị giá đạt 2,29 tỷ USD và chiếm tới 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường EU với kim ngạch đạt 765 triệu USD, tiếp theo là thị trường Nhật Bản: 424 triệu USD, Đài Loan: 105 triệu USD, Canada: 82 triệu USD,…

Hàng thuỷ sản: Tháng 6/2009, xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam đạt 379 triệu USD, tăng 20% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay lên 1,76 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ 2008.

Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang các đối tác lớn trong 6 tháng qua như sau: Thị trường EU với kim ngạch 473 triệu USD, giảm 6,4% so với 6 tháng năm 2008; Nhật Bản: 311 triệu USD, giảm 15,4%; Hoa Kỳ: 297 triệu USD, tăng 12,5%; Hàn Quốc: 130 triệu USD, giảm 8,7%;…

Dầu thô: Trong tháng 6/2009 xuất khẩu đạt 1,15 triệu tấn, giảm 13,2% so với tháng trước, nâng tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009 lên 7,96 triệu tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng xuất khẩu tăng, nhưng do giá bình quân giảm mạnh tới 52,9% so với cùng kỳ năm 2008 (tương đương với giảm 447 USD/tấn), nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 2 quý đầu năm nay đạt 3,16 tỷ USD, giảm 44,1%.

Các thị trường chính nhập khẩu dầu thô của nước ta chủ yếu là Ôxtrâylia: hơn 2 triệu tấn, Singapore: 1,35 triệu tấn, Malaysia: 1,2 triệu tấn, Hoa Kỳ: 591 nghìn tấn, Trung Quốc: 528 nghìn tấn…

Giày dép các loại: Tháng 6/2009 xuất khẩu mặt hàng này đạt kim ngạch 395 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng 5. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu nhóm hàng giày dép của nước ta đạt 2,06 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2008.

Hai quý đầu năm 2009, thị trường EU nhập khẩu mặt hàng này đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 49% thị phần xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 536 triệu USD, sang Nhật Bản đạt 63,7 triệu USD, sang Mêxicô đạt 63 triệu USD, sang Trung Quốc đạt 45,7 triệu USD…

Gạo: Tháng 6/2009, lượng xuất khẩu gạo đạt 581 nghìn tấn, nâng tổng lượng của 6 tháng lên 3,73 triệu tấn, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này tăng liên tục trong những tháng đầu năm nhưng sang tháng 6 có dấu hiệu chững lại ở mức 446 USD/tấn. Hết tháng 6/2009, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt 1,75 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2008.

Hết quý II/2009, lượng gạo của Việt Nam xuất sang hầu hết các châu lục đều tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2008 (trừ Châu Mỹ). Trong đó, lượng gạo xuất khẩu sang Châu Á đạt gần 2,43 triệu tấn, tăng 55,2% và chiếm 65% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; sang châu Phi: 750 nghìn tấn, tăng 81,5%; sang châu Mỹ: 276 nghìn tấn, giảm 18%; sang châu Âu: 138 nghìn tấn, tăng 97,2%; sang Châu Đại Dương: 142 nghìn tấn, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2008.

Cao su: Trong tháng lượng cao su xuất khẩu đạt 67,5 nghìn tấn, tăng mạnh (56,7%) và trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 99,2 triệu USD, tăng 55,6% so với tháng trước.

Hết tháng 6/2009, tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước là 251 nghìn tấn và kim ngạch đạt 358 triệu USD, giảm 42,7% so với cùng kỳ năm 2008.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 6 tháng qua với 173 nghìn tấn, chiếm 68,9% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là Hàn Quốc: 12,5 nghìn tấn, Malaixia: 11,1 nghìn tấn, Đài Loan: 7,8 nghìn tấn, Đức: 6,6 nghìn tấn, Hoa Kỳ: 5,1 nghìn tấn…

Cà phê:

Xuất khẩu trong tháng đạt 78,3 nghìn tấn, giảm 14,6% so với tháng trước. Hết tháng 6, tổng lượng cà phê xuất khẩu đạt 732 nghìn tấn, tăng 21,7% và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,09 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Các thị trường chính nhập khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng qua là Bỉ: 111 nghìn tấn, Đức: 79,1 nghìn tấn, Hoa Kỳ: 77,9 nghìn tấn, Italia: 68,7 nghìn tấn, …

Gỗ và sản phẩm gỗ: Tháng 6/2009, xuất khẩu mặt hàng này đạt 187 triệu USD, tăng 6,9% so với tháng trước. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam 2 quý đầu năm 2009 lên 1,13 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2008.

Tính đến hết tháng 6/2009, Hoa Kỳ tiếp tục trở thành thị trường nhập khẩu nhóm hàng này nhiều nhất của Việt Nam với 465 triệu USD, tiếp theo là thị trường EU: 285 triệu USD, Nhật Bản: 173 triệu USD, Trung Quốc: 57,5 triệu USD…

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong tháng xuất khẩu đạt gần 225 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng 5, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2009 lên 1,14 tỷ USD.

Dẫn đầu về nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 6 tháng qua vẫn là thị trường Hoa Kỳ với 205 triệu USD, tiếp theo là Nhật Bản: 159 triệu USD, Thái Lan: 127 triệu USD, Trung Quốc: 102 triệu USD, Singapore: 73 triệu USD, Hà Lan: 68,8 triệu USD,…

Nhập khẩu

Tháng 6/2009, trị giá nhập khẩu hàng hoá cả nước là 5,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 2,14 tỷ USD, tăng 7,1% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 3,77tỷ USD, tăng 2,5%.

So với tháng trước, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu ở một số nhóm hàng: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 81,4 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép tăng 32 triệu USD, linh kiện phụ tùng ôtô tăng 32 triệu USD…

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: Trong tháng 6/2009, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 917 triệu USD, giảm 6,4% so với tháng trước. Nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng năm 2009 lên 5,28 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ 2008.

Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng qua có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 1,74 tỷ USD, giảm 7%; Nhật Bản: 1,04 tỷ USD, giảm 25,3%; Hàn Quốc: 371 triệu USD; giảm 22,2%; Hoa Kỳ: 316 triệu USD, tăng 2,36%...

Sắt thép các loại: Tháng 6/2009 nhập khẩu 879 nghìn tấn, giảm 5,8% so với tháng trước. Hết quý 2/2009, lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam là 3,97 triệu tấn, giảm 34,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Tháng 6/2009, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 265,6 nghìn tấn, giảm 11,7% so với tháng trước. Hết quý 2/2009, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 1,08 triệu tấn, giảm 39,8% so với cùng kỳ 2008, trị giá là 431 triệu USD.

Nhóm hàng sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Nga với 736 nghìn tấn. Đứng thứ hai là Đài Loan: 631 nghìn tấn, tiếp theo là Nhật Bản với 539 nghìn tấn, Hàn Quốc: 417nghìn tấn, Trung Quốc: 321 nghìn tấn…

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Nhập khẩu nhóm hàng tăng cao và đạt mức kỷ lục trong tháng với trị giá 240 triệu USD, tăng tới 51,4% so với tháng trước. Như vậy hết tháng 6/2009, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 823 triệu USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2008

Trong tháng 6/2009, nhập khẩu mặt hàng khô dầu đậu tương là 419 nghìn tấn, nâng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng lên 1,36 triệu tấn, trị giá 518 triệu USD, chiếm 63% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu. So với cùng kỳ 2008, giá nhập khẩu bình quân của mặt hàng khô dầu đậu tương đã giảm 15,6% (tương đương giảm 70USD/tấn). Vì vậy mặc dù lượng chỉ giảm nhẹ (gần 1%) nhưng trị giá nhập khẩu giảm tới 16,4% so với 6 tháng 2008.

Nhập khẩu khô đậu tương trong 6 tháng 2009 chủ yếu có xuất xứ từ các thị trường: Ấn độ: 619 nghìn tấn, Achentina: 495 nghìn tấn, Hoa kỳ: 106 nghìn tấn, Trung quốc: 87 nghìn tấn…

Xăng dầu: Trong tháng 6/2009 nhập khẩu 1,04 triệu tấn, giảm 8,1% so với tháng trước, nâng lượng nhập khẩu nhóm hàng này lên 6,75 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ 2008.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với hơn 2,79 triệu tấn, chiếm 41,3% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Đài Loan: 1,33 triệu tấn, Trung Quốc: 1,11 triệu tấn, Hàn Quốc: 599 nghìn tấn, Nga: 359 nghìn tấn, Thái Lan: 268 nghìn tấn...

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu trong tháng là 338 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu trong 2 quý/2009 lên 1,59 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2008.

Tính đến hết tháng 6 năm 2009, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về cung cấp nhóm hàng này cho nước ta với 608 triệu USD, giảm 4,9% so với 6 tháng/2008. Tiếp theo là Nhật Bản: 319 triệu USD, giảm 16,8%; Malaysia: 128 triệu USD, giảm 5,4%; Đài Loan: 125 triệu USD, giảm 6,7%…

Chất dẻo nguyên liệu: Trong tháng nhập khẩu 192 nghìn tấn, tăng 8,2% so với tháng trước và đạt trị giá là 248 triệu USD. Hết tháng 6/2009, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của cả nước là hơn 1 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hết 6 tháng năm 2009, chất dẻo nguyên liệu được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ: Hàn quốc: 195 nghìn tấn, tăng 40% so với cùng kỳ 2008; Đài Loan: 155 nghìn tấn, giảm 5,5%; Thái Lan: 142 nghìn tấn, tăng 2,6%, A rập Xê út: 120 nghìn tấn, tăng 89%…

Phân bón: Trong tháng nhập khẩu 305 nghìn tấn, tăng 12,4% so với tháng trước với trị giá đạt 110 triệu USD. Hết 6 tháng/2009, cả nước nhập khẩu 2,23 triệu tấn phân bón các loại, giảm nhẹ (0,8%) so với cùng kỳ năm 2008.

Lượng phân Urê nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng qua là 696 nghìn tấn, phân SA là 617 nghìn tấn, phân DAP là 514 nghìn tấn, phân Kali là 192 nghìn tấn, phân NPK là 175 nghìn tấn.

Mặt hàng phân bón các loại được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 725 nghìn tấn. Tiếp theo là Nga: 270 nghìn tấn, Ucraina: 202 nghìn tấn, Philippin: 190 nghìn tấn, Hàn Quốc: 147 nghìn tấn, Hoa Kỳ: 102 nghìn tấn, Đài Loan: 76,6 nghìn tấn,…

Ô tô nguyên chiếc các loại và linh kiện, phụ tùng ôtô: Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 6/2009 là 6,6 nghìn chiếc, tăng 36,5% so với tháng trước. Tính đến hết quý II/2009, cả nước nhập khẩu 23,7 nghìn chiếc với kim ngạch nhập khẩu là 406 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2009, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ: Hàn Quốc: 15,1 nghìn chiếc, Nhật Bản: 2,5 nghìn chiếc, Trung Quốc: 1,75 nghìn chiếc, Hoa Kỳ: 1,63 nghìn chiếc…

Trị giá nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong tháng 6 đạt 163 triệu USD, tăng 24,5% so với tháng 5, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này 6 tháng năm 2009 lên 593 triệu USD.

Nhóm hàng nguyên liệu ngành dệt may, da giày: Nhập khẩu nhóm hàng này đã chững lại trong tháng với kim ngạch 627 triệu USD, giảm nhẹ 6,3% so với tháng trước. Hết quý II/2009, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 3,41 tỷ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2008.

Tính đến hết tháng 6/2009, nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 956 triệu USD, Đài Loan: 718 triệu USD, Hàn Quốc: 668 triệu USD, Nhật Bản: 225 triệu USD, Hồng Kông: 198 triệu USD…

Tháng 7/2009: Việt Nam nhập siêu 1,25 tỷ USD

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, máy móc, thiết bị, dụng cụ phương tiện khác có giá trị nhập khẩu đạt 900 triệu USD. Tiếp đến là sắt thép, đồ điện tử và linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may... Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 đạt 6 tỷ USD. Trong tháng 7 này, ngành dệt may có tỷ trọng xuất khẩu vượt bậc, đạt 900 triệu USD, sau đó là tỷ trọng lớn của các mặt hàng: dầu thô, thủy sản, giày dép.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tháng 7 đạt 4,75 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7, Việt Nam nhập siêu 1,25 tỷ USD và từ đầu năm đến nay, nhập siêu nước ta đạt 3,4 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh từ đầu năm đến nay vẫn là đá quý và kim loại quý, sắn và sản phẩm của sắn, gạo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước đạt được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO