Tối ưu hóa quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

Lan Ngọc| 28/11/2022 06:00

Dòng tiền được ví như "dòng máu" giúp doanh nghiệp hoạt động. DN trục trặc về dòng tiền sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động, cần phải có các giải pháp quản trị hiệu quả, bảo đảm tài chính luôn ổn định.

Tối ưu hóa quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

​Chuyên gia tài chính Nguyễn Phương Hoa - Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính Bloomax, chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận vốn và tối ưu hóa quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp (DN).

* DN hoạt động gặp khó khăn, phần lớn là do thiếu tiền, không vay được vốn, theo bà, nguyên nhân có phải do DN yếu kém về khả năng tiếp cận vốn, hay do các rào cản từ thị trường vốn?

- Theo tôi, khó tiếp cận vốn chủ yếu do nguyên nhân yếu kém từ phía DN. Khi tiếp cận vốn, nhiều DN chưa chuẩn hóa được hệ thống sổ sách, hồ sơ vay vốn chưa thể hiện được doanh thu và quy mô doanh thu, không thể hiện rõ các dòng tiền về DN, nên không thể vay được tiền. Thực tế đã cho thấy, các DN thể hiện rõ ràng được quy mô doanh thu, nguồn thu, các ngân hàng đều cấp hạn mức nợ rất lớn, có khi vượt hơn cả giá trị tài sản thế chấp của DN từ 3-10 lần. 

Các sản phẩm ngân hàng, ví dụ như mở LC UPAS nhập khẩu hàng hóa lãi suất thấp khoảng 6%, thanh toán kéo dài 210 ngày rất tốt cho DN, nhưng nhiều DN nhập khẩu lại không biết, hoặc kế toán của DN không nắm rõ sản phẩm ngân hàng dành cho mình, nên chưa biết cách tiếp cận và sử dụng vốn hiệu quả.

Rất nhiều tổ chức tài chính cho thuê tài sản, DN không cần bỏ vốn đầu tư tài sản quá lớn mà vẫn có thể mở rộng kinh doanh hiệu quả, sau 7-10 năm số tài sản đó lại thuộc về DN. Nhiều ngân hàng còn có các sản phẩm dành cho DN dùng trả lương cho nhân sự, ứng trả lương... giúp DN giảm áp lực đáng kể về tài chính khi doanh thu bán hàng chưa về kịp vào thời điểm chi lương.

Nhiều ngân hàng còn hỗ trợ cho DN phát hành trái phiếu để thu hút vốn mở rộng kinh doanh, đầu tư. Các quỹ đầu tư cũng luôn sẵn sàng đầu tư cho các dự án khả thi khi DN thể hiện được dự án sẽ mang lại lợi nhuận cho cả DN và các quỹ đầu tư.

-4160-1669349965.jpg

Bà Nguyễn Phương Hoa - Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính Bloomax

* Để tiếp cận được vốn hiệu quả, theo bà, DN cần cải thiện điều gì?

- Hệ thống sổ sách cần chuẩn hóa, kế toán trưởng và chủ DN phải hiểu rõ các sản phẩm của ngân hàng dành cho mình, phải biết điểm mạnh của mình khi đàm phán với các ngân hàng khác nhau để sử dụng dịch vụ của họ.

Ngân hàng giống như một nhà cung cấp tài chính cho DN, cần chọn được ngân hàng phù hợp cung ứng tài chính, bởi mỗi ngân hàng vẫn có các sản phẩm khác nhau, chứ không phải ngân hàng nào cũng có sản phẩm giống nhau.

* Cuối năm chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, DN quản trị dòng tiền vào - ra thế nào để bảo đảm giải quyết tốt các nhu cầu chi - tiêu, giữ ổn định tài chính để phát triển và tăng trưởng, thưa bà?

- Chủ DN giỏi kinh doanh, chưa chắc quản trị rủi ro và quản trị tài chính đã làm tốt. Kế toán trưởng không giỏi về tài chính, sẽ không tư vấn được cho chủ DN giải pháp quản lý dòng tiền hiệu quả, dễ dẫn đến thất thoát vốn, kiểm soát chi phí không hiệu quả.

Quản trị tài chính không chỉ là việc ghi chép số liệu phát sinh và làm đúng các quy trình, mà hằng năm phải lên được kế hoạch tài chính tối ưu về doanh thu, chi phí, marketing, nhân sự, nhập hàng hóa, nguyên vật liệu... mới có thể đưa ra được các giải pháp quản trị dòng tiền hiệu quả. Phải kiểm soát tất cả công việc, giám sát thường xuyên, liên tục số liệu, phân tích số liệu để tìm ra những chi phí không hiệu quả và cắt giảm kịp thời, tránh rủi ro thất thoát tài chính.

Tối ưu hóa trong tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân sự, không để xảy ra tình trạng nhân sự ra - vào nhiều quá khiến chi phí tuyển dụng tăng. Trong kinh doanh và chăm sóc khách hàng cũng phải kiểm soát tốt để bảo đảm giữ được thị trường, giữ được khách hàng, như vậy sẽ không bị giảm doanh thu, không bị giảm dòng tiền cho DN.

DN nên làm hạn mức hằng năm với các ngân hàng, để trong trường hợp cuối năm nếu không đủ tiền, hoặc bị sụt giảm doanh thu, thì vẫn có nguồn để chi tiêu; nên có nguồn tài chính dự phòng cho cuối năm (khoảng từ 3-4 tháng hoạt động), nhằm bảo đảm đủ ngân sách trang trải cho các khoản chi; hạn chế các chi tiêu không thực sự cần thiết, cân đối dự trữ hàng tồn kho ở mức thấp nhất để tránh đọng vốn.

* Xin cảm ơn bà! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tối ưu hóa quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO