Tổ chức mạng lưới hàng xáo: Vướng đủ thứ!

07/05/2010 06:44

Hàng xáo (thương lái) không đăng ký kinh doanh nên không được khấu trừ thuế GTGT khi mua lúa, gạo từ nông dân rồi mang về bán cho doanh nghiệp.

Tổ chức mạng lưới hàng xáo: Vướng đủ thứ!

Hàng xáo (thương lái) không đăng ký kinh doanh nên không được khấu trừ thuế GTGT khi mua lúa, gạo từ nông dân rồi mang về bán cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp sơ kết tình hình xuất khẩu gạo trong bốn tháng đầu năm và triển khai kế hoạch quý II do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại Cần Thơ ngày 6/5, vấn đề tổ chức lại hệ thống hàng xáo trở thành đề tài nóng.

Doanh nghiệp chưa dám rót vốn

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho rằng trong quá trình thu mua lúa, gạo nguyên liệu, lực lượng hàng xáo đóng vai trò khá quan trọng. Và chủ trương của VFA trong việc tổ chức lại lực lượng hàng xáo, coi họ là trung gian không thể thiếu giữa nông dân với DN là hợp lý. Để tránh bị động về thị trường, cần tổ chức lại hệ thống hàng xáo - đội ngũ trung gian chủ lực thu mua nguyên liệu cung ứng cho nhà máy, DN.

Ghe của thương lái (bạn hàng xáo) đang thu mua lúa ở Kiên Giang.

Chính phủ có chủ trương rằng DN, ngân hàng và hàng xáo phối hợp thu mua lúa trong dân ngay từ vụ đông xuân 2009-2010. Trong đó, DN rót vốn cho hàng xáo thu mua lúa. Thế nhưng các DN chưa thể rót vốn vì rủi ro cao. Do vậy cần đánh giá, rà soát lại và thực hiện vào năm tới.

Trong việc tổ chức lại hệ thống hàng xáo, chưa có một mô hình chuẩn nên mỗi DN tổ chức theo cách riêng của mình. Do đó còn nảy sinh nhiều vấn đề như DN tổ chức đội ngũ hàng xáo, mua lúa, gạo nguyên liệu từ hàng xáo nhưng trên mặt giấy tờ sổ sách lại là thu mua nông lâm sản với hộ nông dân.

Điều này không minh bạch, không rõ ràng và dễ rủi ro khi bị cơ quan thuế, kiểm toán… vào cuộc. Do vậy cần phải tổ chức lại mô hình, quy định pháp lý cụ thể để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cho hàng xáo.

Cần xóa bỏ thuế giá trị gia tăng

Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Kiên Giang, cho biết ông rất tán đồng chủ trương hình thành tổ chức hàng xáo, việc tổ chức hàng xáo thành chân rết của công ty, nhà máy rất dễ và quản lý được vì nếu đầu ra ổn định, hàng xáo hoạt động thường xuyên và có lời. “Nhưng cái khó là vấn đề hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hàng xáo không đăng ký kinh doanh, vì vậy họ không được khấu trừ trong quá trình mua từ nông dân rồi mang về bán cho nhà máy, công ty. Vì vậy, cần phải xóa bỏ thuế VAT đối với lúa, gạo nguyên liệu, phụ phẩm, qua đó dễ cho DN, cho hàng xáo” - ông Linh đề nghị.

Theo ông Lê Việt Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Mekong (Cần Thơ), vừa qua mỗi vụ lúa, DN thường mua lúa, gạo nguyên liệu từ hàng xáo nhưng DN lập bảng kê lại thể hiện mua nông lâm sản của nông dân, qua đó lập chứng từ đầu vào… Nếu số lượng trên 10 tấn, doanh nghiệp phải xé lẻ ra để lập bảng kê…

Cách làm này là không gian lận thuế vì xuất khẩu gạo thuế bằng 0, thuế đầu vào đầu ra cũng bằng 0, thuế VAT không phát sinh, DN chỉ chịu thuế lợi tức với nhà nước. Nhưng như vậy rõ ràng chưa làm bật lên vai trò của hàng xáo.

“Chính phủ phải đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh pháp luật về thuế cho phù hợp với loại hình này, có như thế DN mới tổ chức thực hiện được” - ông Lê Việt Hải kiến nghị.

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), bày tỏ: “Tại Tiền Giang, ngành thuế khuyến khích chúng tôi làm bảng kê khi mua bán với hàng xáo nhưng tại Bến Tre, khi chúng tôi lập bảng kê thì ngành thuế không chấp nhận và khuyến cáo phải có hóa đơn. Khuyến cáo của Bến Tre cũng dễ hiểu bởi quy định của Bộ Tài chính là chỉ cho phép lập bảng kê đối với trường hợp giao dịch với người trực tiếp sản xuất lúa”.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, đồng ý với những băn khoăn của DN và cho biết VFA sẽ kiến nghị những vấn đề này lên Bộ Tài chính và Chính phủ để có sự chỉ đạo tháo gỡ bằng các quy định cụ thể. Nhưng trước mắt, DN phải thực hiện chủ trương này quyết liệt hơn, với cam kết đồng hành chia sẻ với hàng xáo. Các DN mạnh dạn làm, từ đó sẽ có rút kinh nghiệm để đề xuất mô hình cụ thể. Đồng thời, VFA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh doanh sản xuất gạo, nhằm tạo hành lang pháp lý cho DN.

Ràng buộc hàng xáo với công ty bằng hợp đồng lao động

Trong lúc chờ mô hình, tổ chức lại hệ thống hàng xáo, chúng tôi tổ chức họ lại thành đội ngũ của công ty và ràng buộc trách nhiệm của họ bằng hợp đồng lao động theo thời vụ. Làm như vậy, họ không phải đóng thuế.

Hiện công ty đã hình thành được 42 bạn hàng xáo, ký kết với 30 chủ nhà máy và 25 chủ nhiệm HTX để đưa họ vào hệ thống thu mua của mình.

Ông LÊ MINH TRƯỢNG, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổ chức mạng lưới hàng xáo: Vướng đủ thứ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO