Tính pháp lý của Thông tư 20 chưa ổn

27/06/2011 06:45

Hôm 26/6, Thông tư 20 của Bộ Công Thương liên quan đến điều kiện nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có buổi làm việc về thủ tục, thẩm quyền ban hành Thông tư 20.

Tính pháp lý của Thông tư 20 chưa ổn

Luật Doanh nghiệp quy định cấp bộ không được đặt điều kiện kinh doanh.

Hôm 26/6, Thông tư 20 của Bộ Công Thương liên quan đến điều kiện nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có buổi làm việc về thủ tục, thẩm quyền ban hành Thông tư 20. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tư pháp vẫn chưa có động thái gì về tính pháp lý của thông tư này.

Đòi giấy tờ, cơ sở vật chất

Các DN nhập khẩu thương mại ôtô thấp thỏm khi Thông tư 20 có hiệu lực. Ảnh: HTD

Trong khi đó, các nhà nhập khẩu ôtô nhỏ lẻ đứng ngồi không yên. Bộ Công Thương trong mười ngày qua liên tiếp ra hai văn bản hướng dẫn thêm cho Thông tư 20. Một hướng dẫn lùi thời hạn thực hiện điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Một hướng dẫn về hình thức, nội dung, bên cấp văn bản ủy quyền.

Theo Thông tư 20, từ ngày 26/6, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ôtô dưới chín chỗ ngồi phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Nếu không, DN phải có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Đồng thời, DN còn phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Một cán bộ quản lý cho biết tính pháp lý của thông tư này không ổn. Với nội dung như trên, có nghĩa là thông tư này đặt ra điều kiện kinh doanh mới. Cụ thể là đòi hỏi DN có thêm các loại giấy tờ mới, đồng thời quy định điều kiện mới về cơ sở vật chất để được nhập khẩu.

Trái Luật Doanh nghiệp

Trong khi đó, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp (năm 2005) quy định “điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà DN phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định “bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.

Hiện có ba dạng nhập khẩu ôtô:

- Nhà nhập khẩu và phân phối của chính hãng.

- Các công ty liên doanh sản xuất xe ôtô cũng có chức năng nhập khẩu.

- Các DN nhập khẩu thương mại.

Khi Thông tư 20 ra đời, các DN nhập khẩu thương mại đã phản ứng. Các DN này cho rằng họ khó có thể xin được các giấy tờ nói trên từ chính hãng sản xuất, cũng như khó có thể lập tức đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất (cơ sở bảo hành, bảo dưỡng). Trong khi đó, DN cũng cho rằng Thông tư 20 tạo thêm nhiều thuận lợi cho các DN dạng một và dạng hai.

Công văn hướng dẫn ngày 22/6 của Bộ Công Thương càng tạo thêm thuận lợi cho DN dạng một và dạng hai. Công văn này “chỉ đường” cho DN không xin được “phép” từ chính hãng sản xuất thì có thể xin “phép” từ nhà phân phối chính thức của chính hãng.

Như vậy, Bộ Công Thương không thể quy định về điều kiện nhập khẩu xe ôtô như nội dung của Thông tư 20.

Tương tự, điều kiện phải có giấy chỉ định, giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất khi nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động cũng là một dạng điều kiện kinh doanh. Vậy mà điều kiện này đã được ban hành dưới dạng một thông báo của Bộ Công Thương.

Nếu cần thì phải lấy ý kiến

Ban Pháp chế (VCCI) cho biết không có thông tin về dự thảo của thông tư này.

Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Thông thường, các dự thảo phải được gửi cho VCCI để VCCI tổ chức lấy ý kiến góp ý.

Cán bộ quản lý trên cho rằng nếu cần thiết phải quy định điều kiện nhập khẩu xe ôtô thì phải ở cấp Chính phủ ban hành nghị định hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. Bởi lẽ Điều 7 Luật Doanh nghiệp cũng giao cho Chính phủ quyền “ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước”.

Với việc ban hành văn bản như vậy thì phải qua nhiều khâu như soạn dự thảo, lấy ý kiến góp ý, giải trình dự thảo, đánh giá tác động. Đương nhiên sẽ có nhiều bộ, ngành khác và DN được góp ý về việc nên hay không nên đặt điều kiện, nếu cần đặt thì điều kiện như thế nào. Thậm chí để đạt mục đích “kiềm chế lạm phát”, “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”… thì có thể góp ý đặt ra điều kiện khác chứ không nhất thiết phải như nội dung của Thông tư 20.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tính pháp lý của Thông tư 20 chưa ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO