Tin kinh tế ngày 6/7: Hơn nửa triệu người mất việc vì Covid-19 trong quý II/2021

Phan Nhung| 06/07/2021 07:14

VN-Index lao dốc mất hơn 56 điểm, nhiều DN Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam, cùng với việc các DN đã dần thích nghi, chủ động ứng phó với Covid-19 và kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 32% trong 6 tháng đầu năm là những tin tức về kinh tế đáng chú ý trong ngày hôm nay.

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 32%

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Xuat-Khau-Trai-Cay-7396-1625565644.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: LDO

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6.2021 ước tính đạt 27,5 tỉ USD, giảm 2,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,9 tỉ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỉ USD, giảm 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 33,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 37,2%.

Doanh nghiệp đã thích nghi, chủ động ứng phó với Covid-19

Sáng 6/7, thông tin tại cuộc họp về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Trung Tiến, cho biết: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 259,9 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 77,8 nghìn người; khu vực dịch vụ tăng 451 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao-Dong-Viec-Lam-5376-1625565645.jpg

Các DN đang dần thích nghi với dịch bệnh. Ảnh minh họa: TT

Chính vì vậy, nếu như quý I/2020 tình hình Covid-19 “bình lặng” hơn, nhưng tỉ lệ việc làm và thu nhập của người lao động trong quý I/2020 vẫn thấp hơn so với quý I/2021 là dấu hiệu lạc quan, cho thấy, bước sang năm 2021, các DN đã thích nghi, chủ động ứng phó với Covid-19, sức chống chịu của DN mạnh hơn, các DN đã chủ động và quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, tích cực phòng chống dịch nhưng vẫn thổi bùng không khí thi đua sản xuất, kinh doanh, không để nền kinh tế bị “đóng băng”.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

"Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn rất lạc quan", ông Keisuke Kobayashi, Phó trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) Văn phòng đại diện tại Hà Nội, cho biết như vậy tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2021 vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

cnht-vn-nb-4482-1625565645.png

Hơn 50% DN Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hàng hóa tại Việt Nam. Ảnh: VNeconomy

“Mong muốn đầu tư của DN Nhật Bản vẫn duy trì ở mức cao so với các nước xung quanh. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 dịu xuống, tôi tin rằng mức độ đầu tư sẽ tăng lên”, ông Keisuke Kobayashi cho biết.

Tuy nhiên, đại diện Jetro cũng thừa nhận là có những khó khăn. Một trong khó khăn đó là tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. Tỷ lệ của Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60% và tỷ lệ của Việt Nam là 37%. Con số này cho thấy, DN phụ thuộc vào việc nhập khẩu trên 60%. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn đối với lĩnh vực chế tạo.

Đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Chính vì vậy, DN Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam.

VN-Index lao dốc, mất hơn 56 điểm

Phiên giao dịch ngày 6/7 tiếp tục chứng kiến biến động lớn khi VN-Index đột ngột lao dốc trong phiên chiều, giảm hơn 56 điểm và mất mốc hỗ trợ 1.400 điểm.

vn-index-6-7-1-8084-1625565645.png

Phiên chứng khoán chiều 6/7

Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam cuối tuần trước cho biết VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 19,3 lần. Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại chỉ thấp hơn 14%. Điều này cảnh báo thị trường có thể sẽ sớm có các đợt điều chỉnh khi mức định giá tăng lên 20x hoặc 21x.

Quý II/2021: Hơn nửa triệu người mất việc vì Covid-19

Theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê, trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc. Trong đó, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất. 

1-2-4311-9194-8142-1625565645.jpg

Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng trước tình hình dịch bệnh. Ảnh: TP

Đáng chú ý, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. So với quý 1/2021, Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động ở độ tuổi 25-54, với 75% lao động bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 6/7: Hơn nửa triệu người mất việc vì Covid-19 trong quý II/2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO