Tin kinh tế ngày 13/10: Tàu khách Bắc - Nam chạy lại

HT| 13/10/2021 07:00

Cả nước xuất siêu 360 triệu USD trong 9 tháng; Việt Nam cần hơn 11,5 tỷ USD mỗi năm phát triển nguồn và lưới điện; người mua nhà ở xã hội vẫn được vay ưu đãi... cùng là những tin kinh tế đáng chú ý trong ngày.

Tàu khách Bắc - Nam chạy lại

1-9204-1634111842.jpg

Sáng 13/10/2021, chuyến tàu dịch vụ Bắc - Nam đầu tiên hoạt động trở lại của ngành đường sắt sau gần hai tháng tạm ngưng vì Covid-19. Khách đi tàu phải viết cam kết phòng, chống Covid-19: đã tiêm vaccine, chấp nhận các biện pháp cách ly tại địa phương cư trú… Hành khách lên tàu phải đo thân nhiệt và kiểm tra thẻ xanh trên ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ hai liều vaccine. Người đi tàu cũng cần có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 tiếng. Những trường hợp không đảm bảo đủ yêu cầu sẽ bị từ chối lên tàu. Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ngoài đôi tàu trên, căn cứ nhu cầu đi lại, công ty sẽ chạy thêm các đoàn tàu khác để phục vụ người dân.

Cả nước xuất siêu 360 triệu USD trong 9 tháng

2-9819-1634111842.jpg

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 484 tỷ USD, với mức thâm hụt hơn 2,5 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu đạt hơn 240,6 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt gần 243,2 tỷ USD, tăng 30,8%. Xuất khẩu hàng hóa đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên, trong tháng 9, mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP ba quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế.

70% công nhân đang thuê trọ

3-9219-1634111842.jpg

Theo thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khoảng 70% lao động đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3m2 một người. Việc gia tăng hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh... thu hút hàng triệu lao động làm việc, khiến nhu cầu chỗ ở tăng cao. Hiện hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân chỉ từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy.

Việt Nam cần hơn 11,5 tỷ USD mỗi năm phát triển nguồn và lưới điện

4-8698-1634111842.jpg

Trong dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ sau nhiều lần chỉnh sửa, rà soát, giai đoạn 2021-2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, tương đương 10-11,5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, vốn cho phát triển nguồn điện bình quân mỗi năm 8,57- 10,15 tỷ USD; còn vốn cho lưới điện truyền tải khoảng 1,36-1,44 tỷ USD/năm. 10 năm sau đó, số vốn cần cho đầu tư nguồn, lưới điện tăng lên 12-15,2 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, một trong số mục tiêu quan trọng tại dự thảo quy hoạch điện VIII là ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Tỷ lệ điện năng lượng tái tạo sẽ đạt 11,9-13,4% toàn hệ thống vào năm 2030 và tăng lên 26,5-28,4% năm 2045.

Người mua nhà ở xã hội vẫn được vay ưu đãi

5-jpg-8188-1634111842.png

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đề xuất tại dự thảo sửa đổi Thông tư 25 chỉ áp dụng cho các tổ chức tín dụng được chỉ định, không áp dụng với việc cho vay đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong dự thảo mới có đề xuất loại trừ đối tượng vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người mua nhà ở xã hội sẽ không được vay ưu đãi nữa. Hiện nay, việc hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất cho người mua, thuê nhà ở xã hội vẫn đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn tại các tổ chức tín dụng được chỉ định, do Bộ Tài chính chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ nên nhóm các tổ chức tín dụng này chưa có dư nợ phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 13/10: Tàu khách Bắc - Nam chạy lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO