Tin kinh tế ngày 12/8: Xem xét nâng biên độ dao động sàn HoSE lên 10% nếu cần thiết

HT| 12/08/2021 07:00

Quy mô xuất nhập khẩu vượt 375 tỷ USD; 73% cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc tập trung ở TP.HCM; Nghiêm cấm tăng giá tùy tiện, đầu cơ vật tư, thiết bị chống dịch Covid-19... cùng là những tin tức về kinh tế nổi bật trong ngày hôm nay.

Xem xét nâng biên độ dao động sàn HoSE lên 10% nếu cần thiết

1-4940-1628757620.jpg

Mới đây, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn 2021-2023. Tại báo cáo này, VFCA đã đề xuất nâng biên độ dao động giá chứng khoán tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ 7% lên thành 10% ngay trong năm nay để đáp ứng sự phát triển mới của thị trường chứng khoán. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, biên độ dao động giá là một trong các biện pháp kích thích tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường, nhằm cân đối cung cầu, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Quy mô xuất nhập khẩu vượt 375 tỷ USD

2-8822-1628757621.png

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu cả nước đạt 186,35 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều nhập khẩu, tổng kim ngạch trong 7 tháng là 188,76 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, hết tháng 7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 375 tỷ USD và nước ta nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD. Xuất nhập khẩu hàng hóa nửa cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

73% cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc tập trung ở TP.HCM

3-2376-1628757621.jpg

Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me vừa đưa ra báo cáo về các cửa hàng bán lẻ phân theo khu vực. Kết quả báo cáo cho thấy, khu vực miền Nam, chủ yếu là TP.HCM vẫn có các chuỗi bán lẻ tập trung nhiều nhất. Cửa hàng tiện lợi đang dần trở nên phổ biến hơn với sự góp mặt đáng chú ý của Circle K, GS25, Family Mart, 7 Eleven... Số cửa hàng tiện lợi được mở tại TP.HCM chiếm 73%, trong khi đó chỉ có 17% nằm ở Hà Nội, Bình Dương 3%, Bà Rịa - Vũng Tàu 2% và còn lại ở các tỉnh, thành khác.

Nghiêm cấm tăng giá tùy tiện, đầu cơ vật tư, thiết bị chống dịch Covid-19

4-1761-1628757621.jpg

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế về việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh và rà soát công khai giá trang thiết bị y tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ gây ảnh hưởng đến việc cung ứng vật tư, sinh phẩm chẩn đoán, thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu các nhà cung cấp, kinh doanh trang thiết bị y tế nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá các sản phẩm trang thiết bị y tế trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế (https://congkhaigiadmec.moh.gov.vn) theo quy định.

Cần hơn 600.000 tỷ đồng đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

5-jpeg-2835-1628757621.jpg

Theo dự thảo đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2045”, dự kiến đến năm 2030 cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu đề ra. Dự thảo đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu ứng dụng vào thực tiễn các giải pháp khoa học - công nghệ nhằm quản lý nước thông minh trên nền tảng công nghệ số, vận hành an toàn công trình, kiểm soát sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai liên quan đến nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 12/8: Xem xét nâng biên độ dao động sàn HoSE lên 10% nếu cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO