Tìm giải pháp hiệu quả thu phí đỗ xe dưới lòng đường ở TP.HCM

Tâm An| 30/08/2022 06:00

Chủ trương thu phí đỗ xe dưới lòng đường của thành phố là nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân. Do đó, việc thu phí và tăng mức thu đối với xe đỗ dưới lòng đường là cần thiết. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua việc quy hoạch chỗ đỗ xe.

Trước thông tin Hà Nội thu được 46 tỷ đồng phí đỗ xe dưới lòng đường trong năm 2021, theo ý kiến của những người quan tâm, TP.HCM có khả năng thu gấp đôi, gấp ba con số đó, nếu như có giải pháp phù hợp. 

Tại buổi tọa đàm "Giải pháp nào cho vấn đề thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường ở TP.HCM" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 22/8/2022, khách mời là một số chuyên gia cho rằng, việc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM - đơn vị được giao thu phí đỗ xe, báo cáo trong năm 2021 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng tại 20 tuyến đường, nhưng chi phí bỏ ra hơn 10 tỷ đồng là nghịch lý. Từ việc phân tích các bất cập hiện nay, các chuyên gia trong một số lĩnh vực liên quan đề xuất một số giải pháp ngắn hạn và trung hạn để thu phí đỗ xe ở lòng đường tại TP.HCM.

Những trải nghiệm không muốn lưu giữ

Ông Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Ông Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Là người thường xuyên "trải nghiệm" việc đóng phí đỗ xe dưới lòng đường, ông Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, việc thu phí qua ứng dụng phần mềm (app) gây nhiều bất tiện cho người dùng, vì không phải lúc nào lái xe cũng có mạng 3G/4G hay Wi-Fi, nếu có thì đôi khi việc tải app cũng khá mất thời gian, chưa kể tải được app rồi lại mất thêm thời gian nạp tiền.

"Dùng ứng dụng VNPay để nạp tiền thì lại phải tải một app khác, hoặc muốn nạp tiền lại phải dùng ứng dụng Seven Bank, rất nhiêu khê. Chưa kể việc dùng app để đóng phí mới chỉ giải quyết được khâu đầu là có chỗ đỗ xe, trong khi đó việc trông xe mới là điều đáng quan tâm. Nộp phí 25.000 đồng, không ai đảm bảo xe mình để đó sẽ không bị mất gương, mất kính, bị trầy xước. Ở TP.HCM vẫn còn một lực lượng "giữ xe tự phát", hay còn gọi là "bảo kê”, đảm bảo đáp ứng cả hai nguyện vọng của chủ xe là có chỗ đỗ và xe an toàn. Thay vì dùng app để nộp phí với rất nhiều lo lắng, người đi xe sẵn sàng bỏ "tiền tươi" đưa cho lực lượng tự phát trông giữ xe cho an tâm", ông Võ Thành Đăng nêu thực tế.

TS. Trương Hoàng Trương - Trưởng Khoa Đô thị học,  Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

TS. Trương Hoàng Trương - Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

TS. Trương Hoàng Trương - Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, bản thân ông là người có nhiều năm lái xe. Đứng trước việc bất cập của app thu tiền đỗ xe hiện nay, ông đã chuyển sang đi taxi cho tiện.

Ông Trương chia sẻ: "Tôi ngại nhất là lái xe đi vào trung tâm thành phố. Cách đây khá lâu, khi tôi vào những tuyến đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi... theo quy định chỉ 5.000 đồng phí đỗ xe, nhưng tôi phải trả 20.000 đồng cho những người giữ xe, vậy mà họ vẫn luôn khiến tôi có cảm giác "có chỗ trông xe là may rồi". Từ đó đến nay, tôi chưa thấy sự đột phá nào trong việc thu phí đỗ xe, làm sao để tiền thu được vào ngân sách nhà nước, dù đó là phí đỗ xe hay phí phạt. Bây giờ, mỗi khi vào trung tâm thành phố, tôi chọn đi taxi, hoặc chọn một trung tâm thương mại nào đó để đỗ xe cho tiện".

Theo ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni thì việc dùng app để thu phí đỗ xe lòng đường là thiếu khả thi, vì không phải người Việt Nam nào cũng có thói quen dùng app, do vậy họ chấp nhận trả tiền người giữ xe tự phát cho nhanh gọn. 

TP.HCM là đô thị gần 10 triệu dân, xe cá nhân vào khoảng 8,2 triệu, trong đó ô tô hơn 730.000 chiếc. Hiện TP.HCM đang tổ chức thu phí đỗ xe dưới lòng đường tại 20 tuyến đường thuộc khu vực trung tâm, mức phí được tính theo thời gian đỗ là 25.000 đồng/giờ. 20 tuyến đường tổ chức thu phí đỗ xe mà chỉ thu được trên 2 tỷ đồng, nhưng chi phí "vận hành" là 10 tỷ đồng, những người tham gia tọa đàm đều bày tỏ sự ngạc nhiên về số tiền chênh lệch này. "Tại sao trước khi sử dụng ứng dụng My Parking thì không lỗ, còn khi có ứng dụng này thì số tiền chi ra lại lỗ gấp gần 4 lần số tiền thu được?", ông Lê Hải Bình - Chủ tịch AXYS Group thắc mắc.

ông Lâm Minh Chánh -  Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni

ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni

Còn theo ông Lâm Minh Chánh, số tiền thu được là quá ít so với thực tế số lượng ô tô vào trung tâm thành phố. "Tôi không dám đề cập đến tiêu cực, nhưng chắc chắn có thất thoát. Số tiền có thể thực thu, theo tôi phải gấp hàng chục lần con số báo cáo hiện nay. Muốn kiểm soát tốt vấn đề này, nên sử dụng cả hai cách: số hóa, tức lắp đặt camera trên các tuyến đường để theo dõi số xe vào ra; hoặc có thể làm thủ công là giao cho người phụ trách từng tuyến đường theo dõi việc đỗ xe và thu phí, thuê người làm theo ca để quan sát xe đỗ. Xe nào vào đỗ mà không đóng tiền thì phạt, đỗ quá giờ quy định cũng phạt. Làm được như vậy, tôi chắc chắn số thu sẽ rất lớn", ông Lâm Minh Chánh khẳng định.

Về lực lượng trông giữ xe tự phát, TS. Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu và Quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nêu ra thực trạng, "phép vua thua lệ làng" bởi những người giữ xe tự phát ở lòng đường là "miếng cơm manh áo" của họ. Rồi thành phố quy hoạch các tuyến đường đỗ xe thu phí, nhưng khi đỗ xe trước nhà dân thì dân không cho. Vậy làm thế nào?

Để tránh thất thoát trong quá trình trông giữ xe, cũng theo TS. Dư Phước Tân, thành phố nên sử dụng hệ thống cảm biến lòng đường. Đồng thời lắp camera để nắm số lượng xe đỗ trong một ngày. Sau đó, đối chiếu với nguồn thu thì chuyện thiếu minh bạch trong quá trình trông giữ xe hẳn không xảy ra. 

Và những giải pháp không quá phức tạp

TS. Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu và Quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

TS. Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu và Quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, TS. Dư Phước Tân cho rằng, với một đô thị lớn như TP.HCM, việc quan trọng là chống kẹt xe. Chủ trương thu phí đỗ xe dưới lòng đường của thành phố là nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân. Do đó, việc thu phí và tăng mức thu đối với xe đỗ dưới lòng đường là cần thiết. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua việc quy hoạch chỗ đỗ xe.

"Phải hạn chế xe cá nhân vào trung tâm thành phố, nhưng vẫn phải có chỗ đỗ xe với mức phí cao để đánh vào kinh tế, từ đó người dân sẽ hạn chế đi xe cá nhân mà chọn phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ chuyện thu phí, làm sao để người dân không có app vẫn có thể đóng tiền và tiền đó phải được chuyển vào ngân sách. Đã có Quyết định 74 cho phép thu phí đỗ xe trên vỉa hè và lòng đường, nên chăng thành phố tiếp tục giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM vừa thu phí xe đỗ trên vỉa hè, vừa thu phí ô tô đỗ dưới lòng đường. Đồng thời nên có cơ chế phối hợp với cảnh sát giao thông để dễ xử lý những trường hợp vi phạm", TS. Dư Phước Tân nêu quan điểm.

ông Lê Hải Bình -  Chủ tịch AXYS Group

ông Lê Hải Bình - Chủ tịch AXYS Group

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Hải Bình cho rằng, tăng phí đỗ xe là phương thức tốt nhất để giảm số lượng xe cá nhân, nhưng cơ quan chức năng nên đặt ra một mức phí sàn để các đơn vị trông giữ xe dựa vào đó để thu. Các bãi đỗ xe của tư nhân không được phép thu phí vượt quy định. Nếu hôm nay Nhà nước tăng phí gửi xe lên 30.000 đồng một giờ thì chắc chắn ngay ngày mai, các nơi trông xe của tư nhân sẽ tăng giá theo. Thành phố chỉ cần đặt ra khung giá, thực thi thì giao cho doanh nghiệp thực hiện. Cũng theo ông Lê Hải Bình, phí giữ xe nên tách biệt hai khoản: đỗ xe và trông giữ xe. 

App sinh ra là để phục vụ cho con người, vì thế phải làm sao để cho nó trở nên tiện dụng và phục vụ con người một cách tốt nhất. "Khi TP.HCM tổ chức góp ý về chính quyền thông minh, tôi đã nêu ý kiến nên sử dụng lõi ứng dụng, cơ sở dữ liệu và mọi dịch vụ liên quan đến đô thị thông minh để doanh nghiệp truy cập có trả phí. Tôi cũng góp ý thành phố nên sớm quy hoạch chỗ đỗ xe, bao nhiêu tuyến đường được đỗ xe rồi giao cho doanh nghiệp đấu thầu khai thác, trừ chi phí rồi nộp lại cho thành phố. Khi công khai quy hoạch chỗ đỗ xe, nếu làm tốt, nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư. Càng nhiều doanh nghiệp đầu tư thì người dùng càng được hưởng lợi, không phải lo app này dùng tốt, app kia không tốt", ông Lê Hải Bình nói.

Ông Võ Thành Đăng đặt vấn đề: "Nếu như hạn chế việc đi xe vào thành phố mà chưa phát triển các phương tiện công cộng thì sẽ gây bất tiện cho người dân. Việc thành phố sử dụng công nghệ trong việc quản lý đỗ xe như hiện nay là để tối ưu hóa việc thu phí tự động. Trong ngắn hạn, nhân viên thu phí có thể dùng app để hỗ trợ tài xế đặt chỗ và đóng phí. Muốn vậy, trên app phải quản lý được thời gian đỗ xe để căn cứ vào đó thu phí”. 

Ông Đăng chia sẻ kinh nghiệm của Singapore: "Đảo quốc này thu phí rất cao đối với xe vào trung tâm, nhưng ở trong trung tâm thì phí đỗ xe lại chỉ ở mức tượng trưng, khoảng 2 đô la Sing và việc đóng phí khá dễ dàng đối với người lái xe". 

Tháng 8/2018, TP.HCM triển khai thu phí đỗ ô tô trên 23 tuyến đường tại quận 1, quận 5, quận 10 với khoảng 1.000 vị trí. Tuy nhiên, số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera chỉ đạt 16%, tức thất thoát 84%. 

Đến tháng 4/2019, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM ban hành kế hoạch điều chỉnh quy trình, ứng dụng giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ô tô trên 202 tuyến đường. Theo đó, Tập đoàn Viettel chi nhánh TP.HCM là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Viettel trong công tác tổ chức quản lý đỗ xe và thu phí. 

Mới đây, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất tạm ngưng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô kể từ ngày15/8/2022.

Một việc khác cũng cần phải tính đến trong việc tổ chức thu phí đỗ xe dưới lòng đường, đó là tình trạng chủ nhà mặt tiền đường không muốn có xe đỗ trước cửa nhà, nhất là đối với các hộ có cửa hàng kinh doanh. Vấn đề này nếu không được quy định cụ thể sẽ rất dễ phát sinh tranh chấp, kéo theo đó là tình trạng xuất hiện "anh em xã hội" trấn giữ từng tuyến đường. 

TS. Trương Hoàng Trương khẳng định, việc sử dụng công nghệ là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Nhưng cần mở rộng các kênh thanh toán tiện dụng cho người dùng. Việc phối hợp với cảnh sát giao thông để xử lý sai phạm sẽ khiến người lái xe đỗ xe theo quy định. Người dân Việt Nam luôn "ưu tiên" những gì dễ thực hiện, vì thế nên kết hợp việc dùng app và thanh toán tiền mặt. Cũng cần tính đến việc cung cấp chứng từ thanh toán, vừa đảm bảo minh bạch tài chính, vừa hỗ trợ người dùng là tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước mắt để giải quyết ngay bài toán đỗ xe ngắn hạn ở trung tâm thành phố, theo ông Võ Thành Đăng, cần thực hiện triệt để các biện pháp: thêm lựa chọn thanh toán (thu tiền mặt sau khi đặt qua app), nhân viên trông giữ xe đặt app giúp tài xế, kết hợp thêm chức năng tìm, gợi ý đỗ xe phù hợp; sử dụng thiết bị đơn giản hơn để quản lý việc đỗ xe, như thiết bị gắn thẻ thay vì phải kết nối Internet, gia tăng việc nhắc nhở phạt nguội, gắn các biển cấm đỗ xe dưới lòng đường để cảnh sát giao thông biết mà xử lý. 

Về biện pháp dài hạn, ông Võ Thành Đăng đề nghị phải sớm xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Nếu làm được điều này thì thành phố sẽ có bãi đỗ xe hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn như ở các nước tiên tiến. Có thể quy hoạch chỗ đỗ xe trên mỗi tuyến đường, phát hành hệ thống thẻ đỗ xe theo ngày, theo giờ như ở Singapore chẳng hạn. Với lực lượng giữ xe tự phát, nên tạo việc làm cho họ để tạo thuận lợi cho lực lượng giữ xe chính quy. Cũng cần chia sẻ và đồng bộ hóa hệ thống đỗ xe của tư nhân và chính quyền. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm giải pháp hiệu quả thu phí đỗ xe dưới lòng đường ở TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO