Tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ

25/07/2011 08:10

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến an toàn hệ thống ngân hàng và không nới lỏng chính sách tiền tệ trong việc điều hành những tháng còn lại của năm 2011.

Tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến an toàn hệ thống ngân hàng và không nới lỏng chính sách tiền tệ trong việc điều hành những tháng còn lại của năm 2011.

>Nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này là quá sớm?
>
Kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt
>
Chống lạm phát: Cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ
> Thủ tướng nêu định hướng chính sách tiền tệ, tài khóa năm tới

Giá nhiều loại thực phẩm tăng làm cho người nội trợ phải đắn đo trước bữa cơm gia đình (ảnh chụp chiều 24/7 tại chợ Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ông NGUYỄN TIẾN THỎA (Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính):

Còn nhiều yếu tố tác động đến giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng chủ yếu do giá thực phẩm, nguyên nhân là mất cân đối cung cầu. Thường thì cuối năm thị trường có nhu cầu tăng khá cao, so với tháng 12/2010 CPI hiện đã tăng 14,61%, như vậy mục tiêu CPI cả năm 17% thực hiện tương đối khó khăn, cần phấn đấu hết sức quyết liệt.

* Hiện có ý kiến đề nghị thành lập quỹ bình ổn thực phẩm, cụ thể là thịt heo?

- Vấn đề đặt ra là quỹ này hình thành từ đâu, sử dụng như thế nào, không thể nói làm ngay được. Dùng quỹ bình ổn giá thì nguồn lực không thể lấy từ ngân sách mà phải lấy từ cơ chế thị trường để xử lý. Hơn nữa không chỉ là một biện pháp từ quỹ bình ổn giá, như chúng ta đã thấy mất cân đối cung cầu thì giá biến động ngay, nếu có quỹ đưa vào cũng không giải quyết được gốc của vấn đề. Cho nên chúng tôi sẽ bàn với Bộ NN&PTNT để cùng nghiên cứu vấn đề này, nếu thấy rằng việc đó là cần thiết, bảo đảm cho thị trường ổn định và góp phần làm cho sản xuất chăn nuôi phát triển thì có thể nghiên cứu để xây dựng.

* Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong số các nguyên nhân giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao có việc thu mua nông sản, thực phẩm với số lượng lớn một cách bất thường của thương nhân nước ngoài?

- Theo số liệu chính thức từ Bộ NN&PTNT, trong ba tháng đầu năm có hiện tượng đó, nhưng không lớn lắm. Ví dụ thương nhân nước ngoài mua gom khoảng 20.000 con heo trong ba tháng đầu năm, nhưng ba tháng trở lại đây không có. Những việc mua gom khác như tôm, thanh long... cũng chủ yếu diễn ra trong những tháng đầu năm, hiện nay không có hiện tượng này.

Tại cuộc họp báo chiều 24/7, ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho biết kết luận phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ như vậy.

Đây là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các thành viên Chính phủ khóa XII đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. “Công tác cung cấp thông tin, giải trình trước nhân dân để tạo đồng thuận xã hội và Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm tốt hơn công tác này trong thời gian đến” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Về kinh tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá có điểm sáng là trong tháng 7 xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 8,4 tỉ USD, tính chung bảy tháng năm 2011 ước đạt 51,46 tỉ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn ba lần so với chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Nhập siêu tháng 7 khoảng 0,2 tỉ USD, bằng xấp xỉ 2,4% kim ngạch xuất khẩu, đây là tỉ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng bảy tháng qua. Nhập siêu bảy tháng năm 2011 khoảng 6,64 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phúc, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2011 mặc dù vẫn thấp hơn đáng kể so với các tháng đầu năm nhưng lại tăng 1,17% so với tháng trước, chủ yếu do giá thực phẩm tăng cao với mức tăng 3,2%. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát có báo cáo tại phiên họp Chính phủ là trước đây nuôi một con lợn chỉ lãi độ vài trăm ngàn, hiện nay có thể lãi lên đến vài triệu đồng. Vì vậy phải có các giải pháp để đẩy mạnh chăn nuôi” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu trong những tháng cuối năm phải ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khẩn trương tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi... bảo đảm đáp ứng nhu cầu, không để thiếu hàng, sốt hàng, giá thực phẩm tăng cao hoặc diễn biến bất thường.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến các khoản lỗ của Petrolimex trong khi doanh nghiệp này mới báo có lãi, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, khẳng định hiện nay Nhà nước không bù lỗ cho xăng dầu. Việc kinh doanh xăng dầu thực hiện theo nghị định 84.

“Petrolimex công bố có lãi là làm cáo bạch để từ nay đến cuối năm chuẩn bị cổ phần hóa. Còn công bố chính thức doanh nghiệp này lỗ bao nhiêu trong mấy tháng đầu năm thì cơ quan kiểm toán sẽ làm. Hiện đang làm kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu” - ông Thỏa nói.

Về đề xuất của Bộ Xây dựng liên quan đến tín dụng bất động sản, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói: “Đến thời điểm này với những diễn biến của giá cả tháng 7, cho thấy sức ép lạm phát vẫn còn gia tăng, do vậy chủ trương về kiểm soát tín dụng nói chung, trong đó có tín dụng bất động sản, vẫn được thực hiện trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO