Tiếp tục cải cách hành chính

Chính Trực| 25/02/2021 07:38

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ sống còn trong công cuộc phát triển, hội nhập kinh tế. Ngay trong năm 2021, TP.HCM chọn chủ đề là năm xây dựng chính quyền đô thị, năm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng nâng cao vai trò quản lý nhà nước hiệu quả hơn, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, họ đang cần thể chế rõ ràng, minh bạch, hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, an ninh an toàn, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, trong Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 vào chiều 18/2/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lại bức xúc một trường hợp doanh nghiệp bị “ngâm” hồ sơ cả tháng trời. Theo người đứng đầu Thành phố, trong cuộc họp Thường trực Ủy ban, ông đã nhận được phản ánh của một doanh nghiệp về việc bị ngâm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cả tháng trời, trong khi theo Luật Đầu tư thì không cần lấy ý kiến các sở, ngành khi điều chỉnh loại giấy phép này và chỉ giải quyết trong thời hạn 10 ngày. Thông tin rõ ràng như vậy, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho lấy ý kiến, kéo dài 30 ngày là quá lâu. Không chỉ có trường hợp này, theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, hiện vẫn còn nhiều sở, ngành khác cũng có tình trạng như thế, nhất là tình trạng vướng mắc không giải quyết một lần mà cứ giải quyết từng công đoạn, kéo dài thời gian chờ đợi. Do đó, ông yêu cầu các sở, ngành khác phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi.

Từ nhiều năm qua, rất nhiều luật, quy định, văn bản hướng dẫn đã ban hành để thuận tiện cho người dân có thể xử lý công việc theo quy trình một cửa một dấu, nhưng thực tế vẫn khác xa so với mong muốn thực hiện cơ chế này của các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Chúng ta đã ký hàng loạt hiệp định, yêu cầu hoàn thiện, cải cách thể chế ngày càng đòi hỏi phải thật nhanh, kịp thời. Từ năm 2007 tới nay, chúng ta đã chứng kiến hai làn sóng cải cách các quy định, thủ tục hành chính. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn 2007-2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính. Sau những thành công đó, tinh thần cải cách vẫn được tiếp nối với nhiều chương trình cắt giảm quy định hằng năm.

BS-trang-6-9257-1614236193.jpg

Làn sóng thứ hai diễn ra trong nhiệm kỳ chính phủ 2015-2020, đặt trọng tâm giải quyết môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và cho đến nay, Việt Nam đã bỏ hơn 6.000 điều kiện kinh doanh, cắt giảm và đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính và 3/4 dòng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tiếp đó là cắt giảm và đơn giản hóa 1/5 các quy định hành chính còn lại và chi phí tuân thủ về kinh doanh.

Giữa năm ngoái, tiếp tục thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây được xem là làn sóng cải cách thứ ba. Chương trình cải cách này có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu giai đoạn 2020-2025, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá chưa bao giờ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng và đánh giá cao, sẵn sàng tham gia bỏ vốn đầu tư vào các dự án lớn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước như hiện nay. Theo ông Dũng, đó là hiệu quả của việc bãi bỏ, rút gọn nhiều thủ tục giấy tờ nhiêu khê. Nhờ đó, 5 năm qua, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 14 bậc, chỉ số phát triển bền vững tăng 11 bậc, đứng thứ ba trong khối ASEAN.

Đứng về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc Chính phủ liên tục đôn đốc các bộ, ngành cắt giảm tối đa giấy phép con, trong đó thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết 68 là rất đáng mừng. Chủ tịch VCCI đánh giá Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới, không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính mà toàn bộ quy định về kinh doanh. Bởi trong thực tế, một bản phụ lục hay một biểu mẫu trong thông tư “tưởng là nhỏ” cũng có thể “cài cắm” các quy định, gây bao khó khăn cho doanh nghiệp. Tinh thần của Nghị quyết 68 là giảm tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế doanh nghiệp nội lẫn nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng hơn nữa vào sự thay đổi thể chế của Việt Nam. Dù Chính phủ đã nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều quy định bất cập, là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh. Việc cải cách hành chính một số bộ, ngành, nhất là địa phương vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác, hoặc cắt một có thể thêm hơn một. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chủ yếu bằng phương thức thủ công. Người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng chi phí. Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là do chưa có công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn về những chính sách và quy định không còn phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO