Thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải chú ý tâm lý, sức khỏe công nhân

Phan Nhung| 19/07/2021 00:10

Hàng ngàn công nhân cùng với chủ các doanh nghiệp đang ngày đêm bám trụ lại nhà máy, nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" (3T). Họ phải gác lại những bữa tối, ngày cuối tuần bên gia đình, người thân, thậm chí có những bà mẹ bấm bụng gửi lại đứa con chưa đầy tuổi ở nhà để ngủ lại nhà máy. Trong lúc này, họ cần phải được chủ DN, xã hội quan tâm, đó không chỉ là bữa ăn đủ dưỡng chất mà còn là vấn đề tinh thần, tâm lý giúp họ vững tin hơn...

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến diễn ra vào tối 18/7,  với sự tham gia của môt số DN đại diện hội ngành nghề tại TP.HCM đang thực hiện 3T, cùng các chuyên gia dịch tễ, chuyên gia sức khỏe, tâm lý học do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức đã gợi mở thêm nhiều điều liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho đội ngũ công nhân.

Công nhân có thể có các dấu hiệu trầm cảm, DN không nên bỏ lơ.

Đề cập đến vấn đề sức khỏe, tâm lý cho công nhân đang sản xuất ở các nhà máy, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết từ ngày thực hiện 3T đã có nhiều DN trong Hội ở TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai tổ chức cho công nhân ở lại nhà máy. Sau hơn một tuần thực hiện giải pháp này, cơ bản các DN đã đáp ứng tốt 5K trong nhà máy, tuy nhiên, vấn đề sức khỏe, tình thần cho công nhân vẫn là điều đáng lo nhất hiện nay.

"Sau giờ sản xuất, DN chúng tôi cũng tổ chức nhiều hình thức giải trí cho công nhân, như chơi bóng bàn, cờ tướng, xem tivi nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ để họ vơi đi cảm giác xa nhà, xa gia đình, con nhỏ", ông Phương thừa nhận.

Nhận lời tham dự buổi tọa đàm và tha thiết muốn hỗ trợ DN tìm ra giải pháp giúp công nhân giảm stress, vững tin ở lại nhà máy, TS. Tâm lý học Hoàng Minh Tố Nga - Giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH KHXHVNV TP.HCM đánh giá công nhân có nhiều tầng lớp và độ tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, với những người sức khỏe và tâm lý của họ vốn đã yếu thì có thể xuất phát các dấu hiệu trầm cảm trong thời gian này. Những người đã có sẵn dấu hiệu trầm cảm thì các dấu hiệu có thể đi xa hơn. "Vốn dĩ, tâm lý con người không thể kịp ứng phó với các tình huống thay đổi bất ngờ, vì vậy khả năng lớn là họ sẽ bị rối loạn thích nghi”, bà Tố Nga nói thêm.

5360e1a6baf34dad14e2-1-4110-1626634725.j

Buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra vào tối qua. Ảnh: DNSG

Khi không gian riêng bị phá vỡ...

Ngày thường, mỗi con người sau giờ làm việc thường trở về với gia đình, người thân - đó chính là không gian riêng của họ sau giờ làm việc và cũng là nơi để họ giải tỏa những căng thẳng sau khoảng thời gian làm việc, lao động vất vả. Đôi khi, họ cũng có những không gian khác như bạn bè, hoặc những nơi mà họ có thể giải tỏa các trạng thái hỷ- nộ - ái – ố trong lòng. Tuy nhiên, khi cùng DN thực hiện 3T thì họ không còn không gian riêng đó.

Vì vậy, theo góc nhìn của TS. Tâm lý học Hoàng Minh Tố Nga, mọi cảm xúc của họ đều không có nơi để giải tỏa, không có người thân bên cạnh và cũng không có không gian riêng. Cho nên ngay từ những ngày mới bắt đầu, có thể các công nhân đã có những tiến triển tâm lý khá xấu. 

Mặt khác, bà Nga cũng lưu ý DN rằng đội ngũ công nhân đa số đến từ các tầng lớp bình dân trong xã hội, ngày thường họ đã giảm tối thiểu các khoản phải chi trả để giải phóng các yếu tố về tâm lý như nơi vui chơi, giải trí và thay vào đó là các gói 3G, 4G cùng các thiết bị kết nối tại nhà. Nhưng khi họ tham gia thực hiện 3T cùng với DN thì những điều đó cũng không thực hiện được, hoặc nếu có cũng bị hạn chế, không được thoải mái như ở nhà.

Kèm theo đó, sự lo âu về tiền bạc và việc làm, mối quan hệ xã hội (số ít), cộng với gia đình, con cái... trong môi trường ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo sẽ dẫn đến việc tâm lý của các công nhân tệ hơn và có nguy cơ bùng nỏ cảm xúc như hoảng sợ, giận dữ. Do đó, nếu tình huống này kéo dài thì có thể nảy sinh các hành động tiêu cực vượt ngưỡng tâm lý. Cho nên, việc điều chỉnh tâm lý của các công nhân trong thời gian thực hiện 3T là điều vô cùng quan trọng, sau các yếu tố về quy trình phòng chống dịch.

TS. Tâm lý Tố Nga cho biết thêm, hiện tại nhiều DN có các phương pháp rất hay để bình ổn tâm lý của công nhân - nhân viên bằng những cách như đưa các bác sĩ đến tận nhà khám cho anh chị em công nhân, tổ chức các buổi huấn luyện để họ giảm bớt lo âu khi họ ngủ trong các lán, trại tạm của DN... Nhưng, chúng ta làm sao để các công nhân có thể liên lạc với các người thân, người nhà của họ để không bị dồn nén tâm lý. Cũng nên cho họ tiếp xúc với internet và giải trí bằng các màn hình chung để họ giải tỏa phần nào tâm lý và cảm nhận được tình hình chung lúc này.

79d61a52860671582817-1738-1626634725.jpg

Không gian riêng tư bị giới hạn, mỗi người công nhân lúc này đều phải kiên cường cùng DN chống chọi với dịch bệnh, Ảnh: Vietnamplus

“Phải để họ thấy được cái khó, cái khổ của DN và TP cũng như cả nước mà tự có động lực rằng mỗi cá nhân phải góp một phần nhỏ và hi sinh tự do vào việc giúp nền kinh tế của đất nước đi vào bình ổn, chống chọi với dịch bệnh. Khi tâm lý của các công nhân trở nên chủ động, họ sẽ làm chủ được tình thế và hiểu khó khăn hiện tại là gì, phải làm như thế nào để vượt qua. Tôi tin, tinh thần yêu nước và chiến đấu là truyền thống của dân tộc Việt Nam và sẽ giúp họ bớt hoảng sợ hơn để tự tin lao động, sản xuất” - TS. Tố Nga nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp cần quan tâm sức khỏe của công nhân

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Phúc Trường - đại diện Công ty xuất nhập khẩu Thương mại và Dịch vụ Hướng Vang, kiêm Trưởng Ban sức khỏe CLB DNSG cũng cho rằng các DN thực hiện 3T nhưng không có nghĩa là trong khu đó an toàn, nên việc thực hiện 5K trong môi trường đó là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực hiện 5K trong môi trường đó là rất khó. Ví như hàng trăm người cùng ăn ở, sinh hoạt thì việc vệ sinh và xịt khuẩn sẽ không đảm bảo được hoàn toàn. Bên cạnh đó là các vấn đề khác như nguồn cung thực phẩm vào khu 3T có an toàn không, có được kiểm nghiệm hay không, nếu lỡ đó là nguồn lây nhiễm từ phía ngoài thì sao...

"Cho nên, tôi nghĩ các DN nếu có lượng công nhân ở lại làm việc nhiều thì nên có các phòng khám hay trạm Y tế nhỏ trong DN để chuẩn bị các vấn đề về sơ cứu, cấp cứu. Đồng thời, DN cũng nên cân nhắc các khoản thu – chi để thực hiện việc này và quyết định có thực hiện 3T hay là ngưng sản xuất một thời gian, 2 tuần hoặc có thể hơn nếu tình trạng dịch trở nên xấu đi, và bàn các phương án sản xuất tiếp theo. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe của công nhân là hết sức quan trọng, DN cần phải quan tâm. Ngoài việc tổ chức Y tế nhỏ ở trong DN thì cần phải quan tâm chỗ ăn ở, nơi sinh hoạt, tập thể dục...của công nhân nữa” - ông Trường nói. 

“Nếu không đảm bảo đúng các quy trình trong khâu thực hiện 3T thì ví dụ chỉ 1 ca lây nhiễm, toàn bộ DN sẽ bị ảnh hưởng cục bộ bởi DN đang thực hiện ăn ở, sinh hoạt cho các công nhân theo “3T”. Ngoài ra, chúng ta cũng phải nhìn vào thực trạng hiện tại ở các bệnh viện để lường được sẽ khó khăn thế nào nếu cục bộ 1 DN có các công nhân đều nhiễm Covid-19: các bệnh viện hiện tại trong TP phải dành 50% để điều trị cho bệnh nhân Covid, 50% còn lại để thực hiện cấp cứu cho các bệnh nhân có bệnh khác. Vì vậy, nếu để xảy ra trường hợp cục bộ DN bị lây nhiễm sẽ rất khó khăn cho ngành Y tế, dẫn đến hậu quả không lường trước được” - ông Trường trăn trở. 

Tình huống nhà máy có F0 xử lý thế nào?

Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương khẳng định việc xuất hiện F0 là một điều cực kỳ không may mắn, không DN nào muốn gặp phải. Tuy nhiên, trước các tình huống cấp bách thì DN cũng cần “tùy cơ ứng biến”, cốt là để giữ tinh thần lạc quan cho công nhân tiếp tục lao động, sản xuất.

Chẳng hạn, các DN có thể thực hiện các chương trình như “Đi chợ cho bạn” chẳng hạn, và những hoạt động truyền thông đối với những người ở lại khi tình huống không may xảy ra. Đặc biệt, ban quản lý có vai trò quan trọng trong việc này nhất bởi họ là lực lượng vừa phải quản lý sản xuất, vừa quản lý đời sống khi cùng các công nhân thực hiện 3T.

chay-theo-van-ban-doanh-nghiep-9440-9072

Các công nhân lạc quan tự cắt tóc cho nhau trong khuôn viên nhà máy đang áp dụng mô hình “3 tại chỗ”. Ảnh: Vietnamnet

“Thực hiện tốt 3T trước hết phải ở mảng truyền thông nội bộ, bởi các nhà máy đều không có người đi làm và đồng lương không nhiều trong giai đoạn khó khăn nên các quản lý phải động viên tinh thần công nhân trước. Sau đó nhắc nhở họ tự chủ động trong việc cách ly phân xưởng, có thể chia nhỏ tổ hợp công nhân ra mỗi đội 10 người và có 10 đội như thế chẳng hạn, thì khi có trường hợp F0, F1 xảy ra DN cũng có thể dễ dàng cô lập, phân tách với các nhóm khác ngay trong đó luôn. Đồng thời, việc tổ chức các nhóm nhỏ cũng giúp công nhân có tinh thần đồng đội hơn để lao động, sản xuất” - ông Phương nói thêm

“Nhiều DN chỉ có thể duy trì 10-20% lực lượng công nhân tham gia thực hiện 3T tại DN nhưng họ thực hiện rất nghiêm ngặt và chi tiết, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc làm đại trà nhưng làm không kỹ. Các DN cũng nên chia sẻ thông tin và trao đổi, giao lưu, học hỏi lẫn nhau để chia sẻ thông tin. Hiện tại, TP.HCM và các địa phương đang thực hiện điều này rất tốt", ông Phương đúc kết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải chú ý tâm lý, sức khỏe công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO