Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI

D.KHÁNH| 23/04/2015 06:29

Năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các quốc gia khác có nhiều tín hiệu lạc quan và khoảng cách đang dần thu hẹp.

Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI

Năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các quốc gia khác có nhiều tín hiệu lạc quan và khoảng cách đang dần thu hẹp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2014.

Ở khu vực đầu tư nước ngoài, qua kết quả khảo sát 1.491 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trên 14 tỉnh - thành phố của Việt Nam có mật độ DN FDI tập trung cao nhất, cho thấy, năm nay, trên một nửa số DN (thuộc diện khảo sát) có ý định tăng quy mô hoạt động, cao nhất kể từ năm 2010.

Mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn về việc có tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam như các hãng điện tử khác hay không, ông Eiji Fukumori, Tổng giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Nhật Bản), cho biết, Việt Nam có lợi thế về dân số, với 90 triệu dân là thị trường tiêu thụ tiềm năng của bất kỳ DN nào.

Với Panasonic, DN đang tập trung kích doanh số mảng B2B (giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp), trong khi dư địa phát triển của lĩnh vực bất động sản còn khá lớn dẫn đến nhu cầu cung ứng sản phẩm điện tử, thiết bị chuyên dụng cho dự án tăng trưởng liên tục nên Việt Nam là chọn lựa tối ưu.

"Việt Nam là cứ điểm sản xuất của Panasonic trên toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, kinh doanh, chuyển giao các thành quả R&D từ Nhật sang Việt Nam sản xuất", ông Eiji Fukumori nói.

Tuy nhiên, hiện nay, trong cuộc chạy đua thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư (NĐT) các nước như giai đoạn 2007 - 2010. Khoảng một nửa DN FDI trong phạm vị khảo sát cho rằng, trước khi lựa chọn Việt Nam, họ đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác như Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%).

TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai là 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tốt nhất về cơ sở hạ tầng.

Những tỷ lệ lựa chọn quốc gia khác cạnh tranh với Việt Nam đều tăng so với Việt Nam. Đáng chú ý là sự xuất hiện của một số thị trường mới nổi như Lào, Philippines... Theo đánh giá của các chuyên gia, sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về lợi thế của Việt Nam trong mắt NĐT nước ngoài.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, trong đó có việc trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác...

Nói như một chuyên gia kinh tế từng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh (diễn ra ở TP.HCM hồi tháng 11/2014) thì đây sẽ là cơ hội phát triển nếu Việt Nam hoàn thiện các thể chế, chính sách, nội lực của DN trong nước được nâng cao, nguồn nhân lực được cải thiện, hạ tầng kết nối được đầu tư đúng mức...

Còn việc chỉ đơn thuần dựa vào ưu thế về vị trí địa lý, "dân số vàng", giá cả nhân công rẻ... để thu hút dòng vốn FDI chỉ là cuộc cạnh tranh ngắn hạn giữa các nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, tương tự như năm 2013, các DN FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh khác, chủ yếu về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng cơ sở hạ tầng...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam được NĐT ngoại đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, ổn định chính sách và khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

>Xếp hạng PCI: Kinh nghiệm Đà Nẵng
>PCI:Công cụ trao quyền
>Sendo.vn đạt chứng chỉ bảo mật PCI DSS
>TP.HCM: Tập trung nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO