Thông cầu Cần Thơ - công trình kỳ vĩ nhất VN

25/04/2010 05:08

Cầu Cần Thơ, công trình trọng điểm cấp quốc gia, được khởi công ngày 25/9/2004 và dự kiến sẽ được khánh thành, chính thức thông xe vào ngày 24/4.

Thông cầu Cần Thơ - công trình kỳ vĩ nhất VN

Cầu Cần Thơ, công trình trọng điểm cấp quốc gia, được khởi công ngày 25/9/2004 và dự kiến sẽ được khánh thành, chính thức thông xe vào ngày 24/4.

Toàn tuyến cầu Cần Thơ dài 15,85km, chiều rộng 23,1m với bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m cùng hai làn dành cho người đi bộ.

Điểm khởi đầu cầu tại km 2061 trên Quốc lộ 1 huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối cầu tại km 2077 Quốc lộ 1 quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Masayyuki Karasawa - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho rằng quy mô cầu Cần Thơ có thể tương đương một trong năm cầu lớn nhất Nhật Bản và là một trong 10 cây cầu lớn nhất thế giới.

Tổng mức đầu tư của công trình là 4.832 tỷ đồng (thời điểm năm 2001 là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Cần Thơ đã trải qua 2.000 ngày xây dựng, có công lao đóng góp của hàng ngàn công nhân, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước thuộc liên danh ba nhà thầu Nhật Bản Taisei+Kajima+Nippon Steel (TKN) và 20 nhà thầu phụ trong và ngoài nước.

Những lúc cao điểm trên công trường cầu Cần Thơ có trên 1.065 lao động, trong đó có gần 100 chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước còn luôn tri ân sự hy sinh xương máu và cả tính mạng của 203 công nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào ngày 26/9/2007.

Về hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải, cho đến thời điểm này, cầu Cần Thơ được xem là công trình kỳ vĩ nhất Việt Nam. Cầu được áp dụng công nghệ xây dựng cầu đường tiên tiến nhất thế giới để công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cũng như thẩm mỹ.

Có thể nói, cầu Cần Thơ là điểm kết nối mang tầm chiến lược góp phần cho phát triển tương lai, là niềm kỳ vọng lớn lao của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Song song với cầu Cần Thơ, khu vực này hiện đang triển khai và hoàn thành hàng loạt dự án giao thông quan trọng khác, mở ra nhiều cơ hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Trải qua hàng trăm năm đò giang cách trở, cầu Cần Thơ đi vào hoạt động sẽ đưa lịch sử ngành giao thông nước nhà sang trang mới. Từ nay, từ ải Nam Quan địa đầu Tổ Quốc đến Cà Mau tỉnh cuối trời Nam, cầu đường đã nối liền một mạch, giao thương, đi lại thuận lợi đáp ứng lòng mong đợi bao đời nay của người dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo ước tính, so với đi bằng phà trong điều kiện thông suốt, các phương tiện qua cầu Cần Thơ tiết kiệm chi phí giao thông không đáng kể (vì cầu Cần Thơ sau tháng 5/2010 sẽ thu phí), song cái được lớn nhất là tiết kiệm rất nhiều thời gian, rút ngắn tối thiểu khoảng 20 phút cho mỗi phương tiện.

Theo đội trưởng Đội vượt sông bến phà Cần Thơ, trung bình mỗi ngày, 13 chiếc phà đưa rước khoảng 1.000 chuyến. Bình quân có khoảng 60.000 lượt xe hai bánh, 8.000 lượt xe ôtô và 80.000 lượt hành khách vượt sông Hậu an toàn. Như vậy, khi đưa vào khai thác mỗi ngày cầu Cần Thơ đã tiết kiệm hơn 22.666 giờ đồng hồ cho các loại phương tiện và khoảng 26.700 giờ cho hành khách qua đây.

Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tin rằng cầu Cần Thơ thông xe sẽ làm thay đổi vận hội thu hút đầu tư về thành phố và các tỉnh Tây sông Hậu, tiếp tục đánh thức, vực dậy tiềm năng về kinh tế của vựa lúa, vựa cá và trái cây lớn nhất nước.

Khi cầu Cần Thơ thông xe, giao thông thuận lợi, hàng hóa trao đổi nhanh chóng, đảm bảo sẽ tăng trưởng GDP cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long là ba địa phương được hưởng lợi trực tiếp.

Vừa qua, vào dịp Tết Canh Dần 2010, khi về thăm chúc tết cán bộ chuyên gia, kỹ sư, công nhân đang xây dựng cầu Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định cầu Cần Thơ là niềm tự hào của Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Kẹt cứng trên cầu vì đua nhau đi… ngắm cầu

Tối 24/4 khoảng từ 19giờ đến 22 giờ các con đường nội ô TP Cần Thơ đã xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng, riêng khu vực đường dẫn ra cầu Cần Thơ kẹt xe kéo dài gần 15km từ trung tâm TP Cần Thơ đến thị trấn Cài Vòn tỉnh Vĩnh Long.

Hàng ngàn người nối đuôi cùng “nhúc nhích” trên cầu Cần Thơ. (Ảnh: Phạm Tâm)

Nguyên nhân được xác định do người dân của TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận tập trung đến để xem cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á nối hai bờ sông Hậu. Toàn bộ suốt chiều dài cầu Cần Thơ tràn ngập dòng người với hàng ngàn xe gắn máy. Tốc độ xe lưu thông qua cầu chưa đầy 3km/h và phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới đi được qua cầu.

Kẹt xe trầm trọng ở đường Trần Văn Khéo (ảnh chụp lúc 22 giờ ngày 24/4; ảnh: Phạm Tâm)

Không những kẹt xe ở phía cầu Cần Thơ mà các con đường nội ô TP như Trần Văn Khéo, Nguyễn Trãi, Đại lộ Hoà Bình, xô Viết Nghệ Tĩnh... cũng kẹt cứng do dòng người đổ xổ đi xem lễ khai mạc festival Thuỷ Sản và bắn pháo hoa ở công viên văn hoá Sông Hậu. Lực lượng cảnh sát giao thông phải “hoạt động hết công suất” những vẫn không điều tiết được giao thông.

Đông đảo người dân tập trung dưới đường dẫn lên cầu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Kẹt xe trên cầu Quang Trung bởi tại đây cũng có thể ngắm được cầu Cần Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Dòng người đen nghịt lưu thông trên cầu Cần Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thông cầu Cần Thơ - công trình kỳ vĩ nhất VN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO