“Thiên thời” để chớp thời cơ

17/07/2009 07:53

Đó là nhận định của các DN, tập đoàn lớn của Việt Nam và thế giới tại Hội nghị thường niên VNR500 năm 2009 với chủ đề “Chiến lược quản trị tài chính - Tận dụng cơ hội sau suy thoái”

“Thiên thời” để chớp thời cơ

Đâu là thời điểm tốt nhất để đưa ra các quyết định mang tính thay đổi có tính chiến lược đối với doanh nghiệp (DN)? Theo nhận định của các DN, tập đoàn lớn của Việt Nam và thế giới, thời điểm hiện tại chính là “thiên thời” để chớp thời cơ kiến tạo cơ hội.

Giáo sư John Quelch là người tham vấn, kiến tạo và đồng hành từ những ngày đầu của chương trình bình chọn và CLB VNR500. Ảnh: Đặng Vỹ

Hàng loạt vấn đề khác như làm thế nào để có một kế hoạch hoàn hảo, cách nào thay đổi chiến lược để tận dụng cơ hội thời hậu khủng hoảng... được đặt ra tại hội nghị thường niên VNR500 năm 2009 ngày 17/7 - Diễn đàn của 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - với chủ đề “Chiến lược quản trị tài chính - Tận dụng cơ hội sau suy thoái” (VNR500 SUMMIT 2009) diễn ra tại khách sạn Caravelle, TP.HCM.

Khủng hoảng tín dụng toàn cầu và những cú sốc tác động lên nền kinh tế thời gian vừa qua đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, rất nhiều giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của các DN, các tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng, cơ hội tốt nhất để tái cơ cấu DN, xây dựng chiến lược kinh doanh mới chính là thời kỳ khủng hoảng.

Tại thời điểm khủng hoảng dường như đã "chạm đáy" như hiện nay, những cơ hội kinh doanh có thể chỉ xuất hiện một lần và cũng đang trôi đi. Hiện tại đang là thời điểm rất thích hợp để các công ty đầu tư vào các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) hoặc các thương vụ cổ phiếu. Nhưng hấp tấp và chủ quan lại có thể trả giá đắt bởi hồi phục kinh tế sau khủng hoảng là một quá trình dài, dễ khiến các quyết định đầu tư vội vã trở thành sai lầm.

Ông Phùng Hoàng Cơ, Giám đốc kinh doanh Vietnam Reporrt, cho biết, VNR500 SUMMIT 2009 là một sân chơi đẳng cấp dành cho DN Việt Nam. Ở đó, các đại diện lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam sẽ cùng nhau giao lưu, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.

“Các cú sốc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh là không thể tránh khỏi, vì vậy doanh nghiệp VN nên làm quen với chúng” - TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã đưa ra lời khuyên. Theo ông, trước các cú sốc về giá, doanh nghiệp VN thường tìm cách chuyển hướng thị trường xuất khẩu, nhưng TS Thành cho rằng cách này hiện không có nhiều ý nghĩa vì tổng cầu trên toàn thế giới suy sụp.

Điều quan trọng là phải dần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và kết hợp cạnh tranh bằng giá và phi giá. TS Thành đánh giá việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro ở VN còn hạn hẹp nên nhiều khi hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào may rủi hơn là tính toán: “Sử dụng công cụ phòng chống rủi ro có thể vẫn thua lỗ, nhưng quan trọng là giảm tính bất định để tính toán được trò chơi chứ không phụ thuộc vào ăn may”.

Trong khi đó, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - lại nhấn mạnh đến quan điểm về xuất khẩu cần phải có thay đổi. Ông đề cập tới lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của VN còn thiếu và yếu. “Không chỉ là mang hàng ra nước ngoài bán mới là xuất khẩu. Phần kết nối với thế giới qua các DN nước ngoài đã vào đây vẫn còn yếu” - ông Thiên nói.

Hội nghị quy tụ được sự tham gia của các các chuyên gia, cố vấn cấp cao từ các định chế tài chính, ngân hàng, kiểm toán hàng đầu trên thế giới đang có mặt tại Việt Nam như HSBC, Standard Charter Bank, ANZ, Ernst & Young, Deloitte… cùng các chuyên gia kinh tế - tài chính hàng đầu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thiên thời” để chớp thời cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO