Thị trường xuất khẩu lao động 2010: Cơ hội cho người nghèo

P.V| 23/02/2010 08:26

Năm 2010 người nghèo sẽ có thêm cơ hội được đi xuất khẩu lao động với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thị trường xuất khẩu lao động 2010: Cơ hội cho người nghèo
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Năm 2010 người nghèo sẽ có thêm cơ hội được đi xuất khẩu lao động với sự hỗ trợ của Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết:

- Đó là đề án “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững” của Chính phủ. Năm 2009 đã đưa được 1.000 lao động nghèo đi nước ngoài làm việc. Năm 2010 sẽ đưa đi với số lượng nhiều hơn. Đây là cơ hội lớn cho người nghèo thoát nghèo.

* Cụ thể cơ hội của người nghèo trong đề án này như thế nào, thưa ông?

- Với đề án này, người lao động thuộc các huyện nghèo hầu như không phải đầu tư chi phí ban đầu để đi làm việc ở nước ngoài. Chính phủ sẽ hỗ trợ các chi phí đó. Ngoài ra, lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để đóng góp những chi phí theo quy định của ngân hàng chính sách xã hội.

Năm 2010 sẽ đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010, Bộ Lao động-thương binh và xã hội đã công bố chỉ tiêu trong năm 2010, trong đó sẽ đưa 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, bộ đề ra một số giải pháp như: hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn học nghề; thực hiện đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009 - 2020; đổi mới căn bản công tác đào tạo, huấn luyện người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong XKLĐ...

Ví dụ: theo tính toán sơ bộ, người lao động huyện nghèo đi làm việc tại Libya được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn ở, học nghề, ngoại ngữ trung bình khoảng 10 triệu VND/lao động, Malaysia khoảng 7 triệu VND/lao động...

Trong năm 2009, chúng tôi đã triển khai thí điểm ở 28 huyện nghèo, đưa được trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ sau 2 - 3 tháng, các lao động ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải của Yên Bái tại Libya đã gửi về cho gia đình 780 - 900 USD.

Nhìn chung, số lao động các huyện nghèo tham gia chương trình đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Libya và UAE, 4 - 4,5 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia.

* Trong năm 2010 sẽ có thêm lao động ở bao nhiêu huyện nghèo nữa được tham gia đề án?

- Phấn đấu năm 2010 sẽ đưa khoảng 7.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người nghèo đi XKLĐ.

* Những ưu đãi đó là gì, thưa ông?

- Ngoài ưu đãi về điều kiện hỗ trợ chi phí ban đầu, những hợp đồng tốt, có thu nhập từ trung bình khá trở lên so với mặt bằng chung và phù hợp với trình độ của người lao động huyện nghèo sẽ được dành cho người nghèo. Một số hợp đồng với ngành nghề phù hợp có thu nhập cao và điều kiện ổn định, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn một số lượng nhất định lao động thuộc diện huyện nghèo.

Lao động VN làm việc tại nhà máy sản xuất găng tay cao su ở Malaysia - Ảnh: HỒ VĂN

* Ngoài Malaysia và Libya và một số nước Trung Đông, người nghèo có cơ hội tiếp cận các thị trường khác không?

- Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã trao đổi với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM - Japan) về chương trình hỗ trợ lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Cả hai nơi này đều hoan nghênh tinh thần trên từ phía VN.

Hiện nay, trung tâm lao động ngoài nước đang tổ chức lớp học tiếng Hàn cho 160 lao động thuộc các huyện nghèo của Thanh Hóa, Yên Bái và Quảng Nam. Số học viên này sẽ cùng tham gia kỳ thi tiếng Hàn với các thí sinh trên toàn quốc trong đợt sát hạch tiếng Hàn sắp tới.

Hiệp hội IMM cũng đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước tuyển chọn được 73 lao động từ các huyện nghèo thuộc bảy tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa và Quảng Trị.

Số lao động này hiện được đào tạo tiếng Nhật, chuẩn bị cho đợt tuyển chọn chính thức để đi tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường xuất khẩu lao động 2010: Cơ hội cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO