Thị trường mới nổi đi đầu quá trình phục hồi kinh tế

22/04/2010 03:33

Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều nhưng sẽ đạt mức tăng trưởng 4,2% trong năm nay, cao hơn so với mức 3,9% dự kiến hồi đầu năm, với các đầu tàu là những thị trường mới nổi như Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ.

Thị trường mới nổi đi đầu quá trình phục hồi kinh tế

Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều nhưng sẽ đạt mức tăng trưởng 4,2% trong năm nay, cao hơn so với mức 3,9% dự kiến hồi đầu năm, với các đầu tàu là những thị trường mới nổi như Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ. Dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2011 được giữ nguyên ở mức 4,3%.

Theo IMF, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh do nguyên nhân chính là nợ chính phủ còn cao.

Trong báo cáo 6 tháng một lần "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố ngày 21/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh lòng tin người tiêu dùng, giới kinh doanh cũng như trên các thị trường tài chính đã tăng lên đáng kể.

Dẫn đầu sự phục hồi là các nền kinh tế mới nổi, với mức tăng trưởng trong năm nay dự kiến nhanh gần gấp ba lần so với các nền kinh tế phát triển, đạt 6,3% trong năm nay và 6,5% trong năm sau, so với mức tăng trưởng dự kiến lần lượt là 2,3% và 2,4% của các nước phát triển.

Cụ thể, IMF dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh nhất, đạt mức 10% trong năm nay và 9,9% trong năm sau, Ấn Độ tăng 8,8% và Braxin tăng 5,5% trong năm nay.

Theo IMF, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh do nguyên nhân chính là nợ chính phủ còn cao. Tác nhân này đang khiến các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Nhật Bản tiếp tục trì trệ hơn cả nền kinh tế Mỹ.

Trong năm nay, 16 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 1%, trong khi kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 1,9% và Mỹ đạt 3,1%.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sự phục hồi kinh tế Mỹ còn chưa chắc chắn do tỷ lệ thất nghiệp cao và tỷ lệ cho vay của ngân hàng còn thấp. Hiện Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đang đối mặt với khó khăn trong việc kiểm soát các mức thâm hụt và chi tiêu quá lớn của chính phủ để điều tiết nền kinh tế.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn dự báo của IMF nhấn mạnh kinh tế Canada sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), với mức tăng 3,1% trong năm 2010 và 3,2% vào năm 2011.

Về kinh tế Nga và các nước láng giềng trong không gian hậu Xô Viết, IMF dự đoán kinh tế khu vực này đang tăng trưởng với mức độ vừa phải, dự kiến đạt mức tăng 4% trong năm nay. Riêng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ở mức 4% trong năm nay và 3,3% trong năm sau.

IMF cũng tăng dự đoán tăng trưởng ở khu vực Mỹ Latinh và duy trì mức dự đoán ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời khẳng định kinh tế khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi sẽ phục hồi mạnh trong năm nay và năm sau, với mức tăng trưởng lần lượt là 4,7% và 5,9%.

IMF cảnh báo các nước không nên sớm ngừng các gói cứu trợ hay nhanh chóng nâng mức lãi suất vì điều đó có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi. Một nguy cơ lớn không kém là sự phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi có thể dẫn tới nguy cơ phục hồi quá nóng. IMF cũng kêu gọi Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ vì điều đó là cần thiết cho cả nước này và các nền kinh tế khác.

Các cơ quan phân tích kinh tế thế giới lạc quan về tiến trình phục hồi trên toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 21/4, các cơ quan phân tích kinh tế thế giới đều đưa ra dự báo lạc quan về thời kỳ tăng tốc của tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Các số liệu mới nhất cho thấy các nhà máy trên khắp thế giới đang sản xuất với tốc độ kỷ lục khiến nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn mọi dự báo chỉ cách đây vài tháng.

Tại Mỹ, Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết sản lượng của các nhà máy tăng 8 tháng liên tiếp và đã đạt tới nhịp độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2004 với số đơn đặt hàng tăng 60% trong tháng 3/2010. Công nghiệp chế tạo chiếm 22% nền kinh tế Mỹ.

Các công ty Mỹ sở hữu nguồn vốn dồi dào hơn 1 nghìn tỷ USD sẽ tiếp tục đẩy sản lượng của các nhà máy tăng liên tục trong nhiều tháng nữa, tạo thêm 45 nghìn việc làm kể từ đầu năm 2010 và mở ra những xu hướng mới cho công nghiệp chế tạo. Chỉ số sức mua tăng từ 56,5 vào tháng 1 lên 59,6 trong tháng 3, vượt qua mọi dự báo của các nhà kinh tế.

Theo số liệu của tập đoàn tài chính Mỹ JPMorgan Chase, công nghiệp chế tạo toàn cầu tăng mạnh kể từ tháng 3 năm nay, đặc biệt nhanh ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Sản lượng công nghiệp của các nhà máy ở Anh tăng với tốc độ nhanh nhất trong 16 năm qua.

Sản lượng công nghiệp của các nhà máy ở các nước thuộc khu vực đồng tiền chung Euro tăng nhanh nhất trong 5 năm qua, đặc biệt ở Đức, Pháp, Hà Lan, Áo và Italita. Số đơn đặt hàng xuất khẩu trên toàn cầu tăng cao nhất kể từ năm tháng 1/1998.

Công nghiệp ô tô thế giới cũng phục hồi nhanh với tất cả các hãng chế tạo ô tô lớn trên thế giới đều tăng doanh thu kể từ tháng 3 năm nay so với cùng tháng này năm trước từ mức thấp nhất 21% của hãng General Motors của Mỹ đến mức cao nhất là 43% của hãng Nissan Motor của Nhật Bản. Hãng Ford Motor của Mỹ cũng tăng doanh thu 40% .

Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ nhận định những thành quả trong công nghiệp toàn cầu này sẽ báo trước sự phát triển tăng vọt trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, các cơ quan dự báo kinh tế thế giới cũng cảnh báo những nhân tố hiểm họa tiềm ẩn đối với nền kinh tế toàn cầu như lạm phát, thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu, thất nghiệp và quan hệ căng thẳng trong thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường mới nổi đi đầu quá trình phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO