Thị trường hồi phục nhưng lại tắc vốn

KHÁNH VÂN| 24/06/2009 00:28

Ngoại trừ xuất khẩu dừa có mức tăng kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ 2008, doanh thu xuất khẩu các loại rau quả năm tháng đầu năm 2009 giảm từ 20% - 30% do lượng hàng và giá xuất khẩu bị giảm, nhất là ở các thị trường Nga, Hàn Quốc, Mỹ...

Thị trường hồi phục nhưng lại tắc vốn

Ngoại trừ xuất khẩu dừa có mức tăng kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ 2008, doanh thu xuất khẩu các loại rau quả năm tháng đầu năm 2009 giảm từ 20% - 30% do lượng hàng và giá xuất khẩu bị giảm, nhất là ở các thị trường Nga, Hàn Quốc, Mỹ. Sang tháng 6, tình hình có chuyển biến tích cực hơn, nhu cầu nhập khẩu rau, quả chế biến ở một số thị trường đang có dấu hiệu phục hồi.

Ảnh minh họa

Nước chanh dây cô đặc của VN đang bị “cháy chợ” do Mexico bị mất mùa chanh dây, giá xuất khẩu (FOB) tăng từ 4.000USD/tấn lên 6.000USD/tấn khiến giá nguyên liệu tại Lâm Đồng có lúc lên đến 6.800 - 7.000đ/ kg mà vẫn không đủ cung ứng cho các nhà máy. Nhu cầu thị trường Nhật Bản đối với rau cấp đông, khoai lang cấp đông của Lâm Đồng vẫn rất lớn, khách hàng hỏi mua cả ngàn tấn mỗi tháng nhưng các doanh nghiệp (DN) chỉ đáp ứng được 40 - 50% do năm nay mưa sớm, rau bị vàng, bị dập, không khai thác hết.

Ở thị trường Tây Âu, nhiều khách hàng hỏi mua số lượng lớn rau quả chế biến như nước quả cô đặc, rau quả chế biến tươi, dứa khoanh đóng hộp, vải thiều nước đường... giá xuất khẩu có tăng so với tháng trước, như dứa khoanh đóng hộp từ 16USD/thùng tăng lên 20 - 21USD/thùng, dứa cô đặc từ 1.450USD/tấn tăng lên 1.550USD/tấn. Với nhịp độ hồi phục của thị trường như hiện nay, Hiệp hội Rau quả VN đánh giá kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2009 có thể đạt 400 – 450 triệu USD.

Trong khi thị trường đang có dấu hiệu hồi phục, DN và các hộ sản xuất muốn đầu tư thêm cho năm tới có được sản lượng xuất khẩu cao thì lại gặp vướng mắc về vay vốn. Phần lớn DN, hộ sản xuất có quan hệ tín dụng với ngân hàng, tài sản đã được dùng để đảm bảo nợ của các khoản vay trước, nên khó vay thêm vốn.

Đối với các hộ nông dân có nhu cầu vốn để cải tạo vườn, muốn được vay hỗ trợ lãi suất nhưng bị các ngân hàng từ chối vì cho đó là đầu tư trung hạn, hoặc đầu tư mở rộng hay cải tạo vườn cây, không nằm trong diện được quy định hỗ trợ lãi suất. Có ngân hàng cho là phương án vay vốn sản xuất nông nghiệp khó xác định hiệu quả nên ngân hàng không muốn chuốc lấy rủi ro. Còn với các DN thu mua nông sản, phần lớn mua hàng của nông dân không có hóa đơn, chứng từ, không ký kết hợp đồng bao tiêu nên cũng không vay vốn ngắn hạn hỗ trợ lãi suất được vì không chứng minh được việc sử dụng vốn.

Những khó khăn trên của DN, hộ sản xuất nông nghiệp hiện nay cho thấy ngành rau quả không được hoạch định chiến lược dài hạn cũng như kế hoạch từng năm bám sát thị trường, vẫn cứ kiểu thị trường “ăn hàng” đến đâu thì chạy theo đến đó, mặc dù xuất khẩu rau quả có tiến triển tốt trong vài năm gần đây. Hiệp hội Rau quả VN cũng thiếu các số liệu thống kê chính thức về xuất khẩu định kỳ (số lượng và giá) đối với từng mặt hàng cụ thể nên lúng túng khi kiến nghị Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển lâu dài đối với ngành hàng rau-hoa-quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường hồi phục nhưng lại tắc vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO