Thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh phải tái cơ cấu

PHƯƠNG HÀ| 23/06/2015 04:34

Đất nước mở cửa cuối năm 1986, nhưng đổi mới thực sự chỉ diễn ra 10 năm sau đó.

Thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh phải tái cơ cấu

Đất nước mở cửa cuối năm 1986, nhưng đổi mới thực sự chỉ diễn ra 10 năm sau đó.

Đọc E-paper

Năm 1985, nền báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu chuyển mình khi ngoài chức năng tuyên truyền, giáo dục, manh nha chức năng phản biện, đặc biệt là phản ảnh những mặt trái của xã hội, thường được gọi là chống tiêu cực, nhưng để có một thị trường báo chí sơ khai cũng phải mất thêm 10 năm nữa.

Không thể phủ nhận báo chí đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước, và ngược lại, sự đổi mới của đất nước làm cho báo chí phát triển.

Ngày nay, ngoài báo giấy, báo hình, báo nói còn có thêm báo điện tử, tất cả phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển không thua bất cứ một ngành kinh tế nào, trừ một số ít cơ quan báo chí được Nhà nước bao cấp một phần.

Đúng như chức năng của nó, cạnh tranh trong báo chí trước hết là cạnh tranh thông tin. Báo chí chính thống cạnh tranh với báo chí chính thống để có tin tức, sự kiện nhanh nhạy, chính xác nhất.

Báo chí chính thống phải cạnh tranh với báo chí không chính thống phát hành trên mạng sao cho thông tin đáng tin cậy và kịp thời đến với người đọc, người nghe, người xem (sau đây gọi tắt là độc giả).

Báo chí truyền thống phải cạnh tranh với báo điện tử, và đặc biệt là với mạng xã hội, dù mạng xã hội không được liệt vào ngành báo chí, sao cho không để mạng xã hội chi phối thông tin, đi trước và thậm chí dẫn dắt dư luận.

Rồi báo chí cùng loại hình cạnh tranh nhau giành độc giả, thu hút quảng cáo... Do đặc thù rất riêng mà sự cạnh tranh của báo chí tác động sâu sắc đến xã hội.

Có một thực trạng không thể không báo động: Một số báo, nhất là báo điện tử và các trang thông tin điện tử, một bộ phận người làm báo đã xem nhẹ chức năng báo chí, thông tin sai sự thật, khai thác mặt trái xã hội với mức độ dày đặc, giật gân, vi phạm thuần phong mỹ tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, thậm chí đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chống phá nhà nước và chế độ.

>>Họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tại TP.HCM

Lợi dụng một số tờ báo gặp khó khăn về tài chính, đã xuất hiện hiện tượng "mua nhà báo", "mua chủ báo" làm công cụ để tự đề cao, để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị, để trả thù cá nhân, đế che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm...

Theo nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, xã hội đang có hai căn bệnh, đó là bệnh "lệch thị”, tức chỉ nhìn một phía, mà là phía màu đen, và bệnh "nghẽn tai" nghĩa chỉ nghe một chiều, lại là chiều thuận tai.

Hai bệnh này không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa rộng trong xã hội, rất nguy hiểm. Và chính vì "lệch thị” và "nghẽn tai" mới có những hiện tượng tiêu cực trong làng báo.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có một hãng thông tấn quốc gia, 849 báo in (1.118 ấn phẩm), 67 đài phát thanh, đài truyền hình, 179 kênh phát thanh, truyền trình quảng bá, 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp, 98 báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; khoảng 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có gần 18.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, trong xu thế hạ tầng viễn thông và internet băng rộng cho phép mọi tin tức, sự kiện, hình ảnh truyền tải đến người dùng nhanh chóng và dễ dàng, đã làm thay đổi cuộc sống nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin, đòi hỏi nền báo chí Việt Nam phải được quy hoạch lại, hay nói cách khác, phải tái cơ cấu.

Đây không chỉ là mối quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo mà của cả xã hội.

Hiện nay mỗi tỉnh - thành đều có một tờ báo (ra hằng ngày hoặc cách nhật), một đài phát thanh, một đài truyền hình (nhiều tinh - thành gộp chung nhưng vẫn là hai) mà đa số sử dụng ngân sách nhà nước; có thành phố có đến 30 cơ quan báo, đài, có bộ có trên chục ấn phẩm báo chí.

Trên thế giới, hình như chỉ có một vài nước mà địa phương nào cũng có đến mấy cơ quan truyền thông riêng, gây lãng phí lớn nhân tài vật lực.

>>Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí: Lời cảm ơn từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Thực tế cho thấy, nhiều đài truyền hình địa phương ngoài một vài bản tin trong ngày, mà phần nhiều là tin nghi lễ, sự vụ, còn hầu hết thời lượng là chiếu phim Tàu, phim Hàn, bây giờ có thêm phim Ấn Độ, Philippines mà gần như tất cả không phải phim nghệ thuật, và tiếp sóng đài truyền hình trung ương - một việc làm không cần thiết vì giờ đây đã có sóng truyền hình từ vệ tinh phủ khắp nước.

Cho nên theo tôi, quy hoạch báo chí trước hết là thu hẹp đầu báo, giảm đài phát thanh, truyền hình bằng cách lập báo, đài khu vực.

Như Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần một tờ báo, một đài phát thanh đặt ờ Cần Thơ, riêng đài truyền hình thì đã có VTV Cần Thơ, chỉ đầu tư thêm phương tiện kỹ thuật và nhân sự giỏi nghề.

Các khu vực khác cũng nên theo cách ấy. Biết rằng quy hoạch báo chí theo khu vực sẽ gặp phải sự phản ứng của lãnh đạo các tỉnh - thành, nhưng trung ương quyết tâm thì vẫn làm được.

Thứ hai là quy hoạch báo chí (mà nghe nói là từ đây đến năm 2025) phải hướng đến phát triển báo điện tử vì thực tế cho thấy trong thế giới phẳng, không gian mạng phát triển vượt bậc, độc giả đang ngày càng ít đọc báo giấy.

Đối với mạng xã hội, rõ ràng là không thể ngăn chặn và Nhà nước ta cũng không có chủ trương ngăn chặn, các cơ quan báo chí chính thống với những nhà báo bút sắc, lòng trong và giỏi về công nghệ thông tin phải tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá đất nước, nhất là trên blog cá nhân của một số người tự huyễn hoặc là "lề dân".

Muốn làm được điều đó, ngoài tự thân vận động của báo chí chính thống, nhất là báo điện tử thì các cơ quan nhà nước cần có cơ chế cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất, kể cả những vấn đề gọi là "nhạy cảm".

Thứ ba là mạnh dạn bỏ các hình thức bao cấp đối với những cơ quan báo đài bấy lâu nay hưởng chế độ này để các cơ quan ấy tự thân vận động trong nền báo chí thị trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của độc giả, từ đó độc giả bỏ tiền nuôi báo chí phát triển.

>>Báo Doanh Nhân Sài Gòn đoạt giải Báo chí TP.HCM lần 33

>>Khi báo chí dành cho nữ giới Nhật bản bị "chính trị hóa"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh phải tái cơ cấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO