Thắt chặt quan hệ kinh tế Việt - Pháp

KHÁNH ĐINH| 06/09/2016 05:54

Theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp François Hollande thăm Việt Nam từ ngày 5 - 7/9.

Thắt chặt quan hệ kinh tế Việt - Pháp

Theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp François Hollande thăm Việt Nam từ ngày 5 - 7/9. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông François Hollande đến TP.HCM, có cuộc gặp với lãnh đạo Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trẻ của Pháp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới tại TP.HCM. 

Đọc E-paper

Ông François Hollande là vị Tổng thống thứ ba của Pháp sang thăm Việt Nam, sau các chuyến thăm của Tổng thống François Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và năm 2004. Chuyến thăm này một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên mọi phương diện, trong đó có khía cạnh kinh tế. Xét về mặt đầu tư, Pháp là một trong năm nhà đầu tư của châu Âu có nhiều dự án tại Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7/2016, Pháp đứng thứ 16 trên tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 472 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2016, Pháp đứng thứ 17 trên tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cấp mới lẫn tăng thêm đạt 138,99 triệu USD.

Hiện, Pháp có khoảng 300 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, nông nghiệp, cung cấp các giải pháp phát triển đô thị bền vững, công nghệ, dịch vụ... Những dự án lớn mà Pháp tham gia có thể kể đến như Tuyến metro số 3 ở Hà Nội, đây là dự án giao thông đô thị lớn nhất mà Pháp tài trợ tại nước ngoài hiện nay (500 triệu Euro).

Năm 2014, nhà sản xuất hạt giống của Pháp là Vilmorin đã mua lại cổ phần của Công ty CP Phát triển và Đầu tư Nhiệt Đới (Tropdicorp), một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về lai tạo và sản xuất hạt giống, với doanh số 6 triệu USD tại thời điểm chuyển nhượng, chiếm 20% thị phần ngành giống cây trồng của Việt Nam.

Điều này cũng góp phần giúp Vilmorin trở thành nhà sản xuất giống cây trồng nước ngoài đầu tiên có mặt trực tiếp tại Việt Nam. Do vậy, thương vụ này theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, đã mở đường cho nhà sản xuất hạt giống lớn thứ tư thế giới (có doanh số 1,9 tỷ USD) định vị vững chắc hơn tại thị trường Việt Nam.

Về giao thương, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Pháp đạt 2,23 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Việt Nam xuất sang Pháp 1,62 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập về từ Pháp 613 triệu USD, giảm 16,6%.

Hiện Pháp là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 13 của Việt Nam (thứ 5 khối EU). Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất sang Pháp gồm điện thoại và các loại linh kiện, giày dép, sản phẩm dệt may, cà phê, thủy sản... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp dược phẩm, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, phương tiện vận tải, mỹ phẩm...

Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, nhưng theo Tổng cục Hải quan, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Pháp đã có những bước phát triển tích cực. Cụ thể, 5 năm qua, từ 2010 - 2015, tổng trị giá trao đổi thương mại hàng hoá hai nước đã tăng hơn 2 lần.

>Tương lai nào cho quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc?

>Thủ tướng Chính phủ: Không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế

> Việt Nam thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Hungary

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thắt chặt quan hệ kinh tế Việt - Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO