"Tháp an toàn" -Mô hình hiệu quả cho DN 3T

Phan Nhung| 02/08/2021 06:35

Thời gian qua các doanh nghiệp (DN) TP.HCM thực hiện 3T còn lúng túng và có nhiều khúc mắc. Mô hình tổ chức 3T nào tốt nhất trong tình hình dịch bệnh là câu hỏi lớn đối với nhiều DN.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tối 1/8, các chuyên gia, lãnh đạo DN, Hội, Đoàn đã chia sẻ nhiều phương pháp hữu ích đối với các DN đang thực hiện 3T. Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham gia của một số lãnh đạo DN đến từ Bắc Ninh, Bắc Giang – những địa phương từng có số ca nhiễm cao, nhưng các DN ở đó vẫn duy trì tốt chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Thực hiện 3T vẫn chưa suôn sẻ

Nhiều DN đã chia sẻ những khó khăn, lấn cấn khi thực hiện 3T như chi phí tăng lên do tổ chức ăn ở tại chỗ cho người lao động;  tâm lý người lao động không ổn định do xáo trộn nếp sinh hoạt; làm sao tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ vừa nhanh vừa an toàn ...

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình chia sẻ: “Đặc thù của ngành xây dựng là công nhân của chúng tôi phải ăn ở xung quanh công trường chứ không thể vào công trường do nguy hiểm nên không thể thực hiện 3T. Chúng tôi có 17 công trình phải ngừng thi công, trong đó có 2 công trình đang thực hiện 3T thì phải ngưng vì có F0. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì mức phụ cấp, giúp người lao động có đủ chi phí để duy trì cuộc sống, cả khi họ bị rủi ro nhiễm dịch bệnh”.

Còn ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch GIBC cho rằng: “Các DN đang áp dụng 3T khác nhau do đặc thù riêng của các DN, nếu các DN không cố gắng thì việc thực hiện 3T suôn sẻ là rất khó. Hơn nữa, 3T không giải quyết được hết tất cả mọi vấn đề. Ngoài việc duy trì sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, DN còn gặp những vấn đề khác như tình hình tài chính, cơ hội cạnh tranh, chăm sóc khách hàng trong và ngoài nước. Nếu vì thực hiện 3T mà họ mất đi năng lực cạnh tranh thì hậu quả sẽ rất lớn”.

Phân nhóm công nhân theo từng khu vực và liên kết với một đơn vị y tế xét nghiệm tại chỗ

Tại tọa đàm, ông Thân Quốc Tuấn - Chủ tịch Công ty CP Sơn Becker Chem ở Bắc Giang chia sẻ  kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện 3T: “Chúng tôi cho rằng yếu tố đầu tiên khi thực hiện 3T là phải tạo được sự yên tâm cho mỗi công nhân. DN phải liên kết với một đơn vị y tế hay phòng khám nào đó để đến xét nghiệm tại chỗ cho công nhân để họ an tâm rằng họ không bị nhiễm bệnh, sau đó mới bắt đầu các phương pháp khác. Chúng tôi đã ký hợp đồng 1 năm với một phòng khám đa khoa để họ tới thăm khám và theo dõi tình hình sức khỏe của công nhân. Song song đó, chúng tôi phân loại từng nhóm công nhân dựa vào nơi cư trú của họ, sau đó mới đưa công nhân tới khu lưu trú. Khu lưu trú 3T của chúng tôi chỉ bao gồm những công nhân có kết quả âm tính trong vòng 72 tiếng đồng hồ và họ được ăn ở theo nhóm. Riêng nhóm công nhân F2 sau khi cách ly đủ thời gian, có kết quả xét nghiệm âm tính,  khi đi làm cũng sẽ được ở khu vực riêng, không ở chung với các công nhân khác. 

a0e1074c847973272a68-6453-1627887618.jpg

DN nên đưa tổ chức Y tế vào để thực hiện thăm khám, test... đảm bảo an toàn cho công nhân khi thực hiện 3T. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Ông Tuấn còn cho biết thêm, công ty của ông còn chuẩn bị những băng rôn, khẩu hiệu nhắc nhở và có văn bản để mỗi công nhân cam kết không tiếp xúc với ai bên ngoài;  bố trí chỗ ăn ở riêng hoàn toàn tách biệt cho nhóm nhân viên bắt buộc phải đi ra ngoài, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh cho công nhân.  

Khác với ý kiến của bà Chi về tầm quan trọng của vaccine, ông Tuấn cho rằng không có vaccine nào tốt bằng ý thức tự phòng, chống dịch của người lao động và ban lãnh đạo của DN, vì sau khi chích vaccine, người được chích vẫn có khả năng nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác. 

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhắc các DN TP.HCM nên thực hiện khử trùng làm sạch nhà máy trước trước khi cho người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính vào ăn ở trong nhà máy. 

Tổ chức "1 cung đường, 2 địa điểm" cũng là giải pháp nên chọn

Đứng ở góc độ quản lý, ông Lâm Thanh Sơn -Trưởng phòng quản lý lao động, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, đề nghị DN nên chọn giải pháp "1 cung đường, 2 địa điểm". Ông nói: “Khi DN thực hiện 3T, chi phí phát sinh rất nhiều, nên các DN cần phải quyết định số người cần thiết phải ăn ở trong nhà máy và nên cân nhắc giữa chọn 3T hay chọn giải pháp khác là "1 cung đường, 2 địa điểm". Để thực hiện giải pháp "1 cung đường, 2 địa điểm", chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ cho DN sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của các trường học, các khách sạn ngưng hoạt động...ở gần nhà máy để làm nơi ở tạm thời cho công nhân".

Sau khi có nơi ở tạm thời cho công nhân gần nhà máy rồi, ông Sơn cho biết giải pháp tiếp theo: “Chúng tôi chia công nhân thành từng nhóm khác nhau và có các nhóm trưởng, để tổ chức mô hình “Tháp an toàn”. Các tổ trưởng sẽ tự quản lý các thành viên trong nhóm của mình bằng cách kiểm tra nhắc nhở trước khi làm việc, trước khi đi ngủ...Sau đó, tổ trưởng lại báo cáo lên cấp cao hơn và những người đó sẽ báo lại với lãnh đạo DN. Sự phân tầng quản lý này sẽ giảm tải áp lực cho các lãnh đạo trong quá trình thực hiện 3 T hoặc "1cung đường, 2 địa điểm".

Ưu tiên phân phối vaccine cho các DN là một trong những giải pháp lâu dài

Giải pháp lâu dài để các DN thoát khỏi tình trạng bị đe dọa bởi dịch bệnh chính là vaccine hay thuốc uống chữa Covid-19, theo các chuyên gia.

733715668553720d2b42-1980-1627887618.jpg

Vaccine là giải pháp lâu dài tạo sự an tâm cho DN và người lao động . Ảnh: Internet

Bà Lý Kim Chi-Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM khẳng định: “Công nhân đang “khát vaccine” nhưng chưa hề có một DN nào trong Hội tiếp cận được nguồn vaccine để tiêm chủng cho công nhân. Theo tôi, sức khỏe và kinh nghiệm của người lao động là yếu tố quan trọng của DN. Nếu các DN không được ưu tiên phân phối vaccine tiêm chủng cho công nhân thì không giữ được người lao động. Nhưu vậy,  giải pháp lâu dài  là phải có vaccine phòng Covid-19 hoặc thuốc uống trị Covid-19 phân phát cho người lao động". 

Còn ông Đoàn Võ Khang Duy - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí-Điện TP.HCM, đề xuất chính quyền TP nên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc kiểm soát tiêm chủng, qua đó biết được ai đã tiêm chủng vaccine, ai chưa, để cấp giấy phép cho họ được di chuyển qua lại giữa các vùng an toàn hoặc không an toàn. Theo ông Duy, xét nghiệm định kỳ cộng với vaccine cộng với CNTT thì các DN có thể sớm thoát khỏi nỗi ám ảnh dịch bệnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tháp an toàn" -Mô hình hiệu quả cho DN 3T
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO