Thẩm Quyến xa hoa

ANH TRÍ| 28/03/2009 09:14

Thẩm Quyến, một trong những đặc khu kinh tế phát triển nhất của Trung Hoa. “Việc thành lập đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa” (theo Wikipedia).

Thẩm Quyến xa hoa

Thẩm Quyến, một trong những đặc khu kinh tế phát triển nhất của Trung Hoa. “Việc thành lập đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa” (theo Wikipedia). Bên cạnh Thẩm Quyến, còn có ba đặc khu khác cũng được hình thành từ năm 1979 là Chu Hải, Sán Đầu, và Hạ Môn.

Một góc Thẩm Quyến

“Trung Quốc đã chọn thiên thời địa lợi tốt nhất để xây dựng những đặc khu kinh tế: Thẩm Quyến sát Hồng Kông, Chu Hải ngay cạnh Ma Cao, Hạ Môn là điểm gần nhất đến Đài Loan, và Sán Đầu là nơi tập trung đông đảo Hoa kiều. Sự thành công của những đặc khu đã tạo niềm tin và động lực cho các khu tiếp theo”. (Wikipedia).

Địa danh Thẩm Quyến bắt nguồn từ một con sông thuộc huyện Bảo An có tên là Thâm Quyến, tiếng Hoa “Thâm quyến” nghĩa là “con lạch sâu”. Nhưng bây giờ, không ai gọi tên đó nữa mà nó đã trở thành một trong bốn thành phố lớn nhất Trung Hoa sau Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu.

Thẩm Quyến hiện ra từ từ trước mắt chúng tôi. Những con đường rợp hoa đỏ, bằng lăng tím và hàng cây lá non làm lay động cả những người khó tính nhất dưới trời mùa xuân chỉ mười bảy độ. Đó là cảm giác chung của 21 người bay từ Sài Gòn nóng bức.
Đi Quảng Châu phải tham quan Công viên Hoàng Hoa Cương, nơi có mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái uy nghi, đến Thẩm Quyến phải tham quan Công viên Cửa sổ Thế giới (Window of The World) để ngắm nhìn một thế giới thu nhỏ.

Nếu như dòng Châu Giang ở Quảng Châu ôm trọn thành phố hiện đại với những nhà cao tầng thì ở Thẩm Quyến, những hàng cây bao bọc thành phố xanh ngút mắt. Đường phố rộng, thông thoáng, không có cảnh chen lấn của hàng ngàn chiếc xe máy; các loại xe nhỏ đều di chuyển trong trật tự. Tuy nhiên, tình trạng bấm còi inh ỏi vẫn còn và điều này làm người ta khó chịu nhất.

Công viên Cửa sổ Thế giới nằm ở phía tây thành phố Thẩm Quyến. Nơi đây có khoảng 130 mô hình các địa danh nổi tiếng thế giới được thu nhỏ, trên diện tích 480.000m2. Nổi bật nhất là công trình Tháp Eiffel của Pháp, cao 108m. Quần thể Kim Tự Tháp Ai Cập, khu vườn Nhật Bản, cánh đồng cối xay gió Hà Lan... là những khu vực rộng nhất trong công viên.

Ngoài ra, khách tham quan cũng có thể nhìn tận mắt các kỳ quan như Tháp Niagra, Angkor Wat, Tháp nghiêng Pisa, Nàng tiên cá... Hình ảnh Chùa Một Cột được chọn làm biểu tượng cho Việt Nam. Phải mất ít nhất nửa ngày để khám phá hết công viên này. Từ cuối năm 2004, khi hệ thống tàu điện ngầm của Thẩm Quyến mở cửa, khách du lịch có thể đến với Cửa sổ Thế giới khá dễ dàng. Chỉ cần đón tàu điện ngầm line màu đỏ, đi đến bến cuối cùng Shijiezhichuang là khách du lịch có thể nhìn thấy ngay Công viên Cửa sổ Thế giới.

Tại đây còn có khu trượt băng và trượt tuyết với giá chỉ 10 nhân dân tệ (khoảng hơn 20.000 đồng) là có thể vào chơi bao lâu cũng được. Tôi thích nhất là chương trình ca nhạc kịch diễn ra vào lúc 7 giờ 30 mỗi tối ở đây. Những trích đoạn từ các tác phẩm ca kịch kinh điển thế giới được trình diễn điêu luyện bởi các nghệ sĩ múa ba lê Trung Quốc mới thực sự là phần hồn của “Cửa sổ Thế giới”.

Về đêm, Thẩm Quyến còn lộng lẫy hơn. Đèn sáng cả thành phố, chúng tôi thả bộ từ khách sạn đi dọc theo những vỉa hè rộng, thoáng. Hai bên là những cửa hàng nhỏ, bán đủ thứ trên đời, từ chiếc kẹp tóc khoảng 1 tệ cho đến những vòng ngọc giá vài nghìn tệ. Một vài cửa hàng hoa mở cửa rất khuya, bán những bó hoa to, đẹp. Người bạn đi cùng thốt lên: “A, cả thú nhồi bông cũng kết thành hình bó hoa kìa!”. Mọi người bàn tán và bảo về Sài Gòn sẽ có dịp làm những bó hoa như thế tặng người thân cho lạ. Đúng là “cũ người mới ta”!

Đường đẹp, người đẹp, nhưng vẫn cảm thấy xô bồ, ồn ào. Đời sống tưởng chừng như yên ả, nhưng không, hễ nhìn thấy một gương mặt đăm đăm trên phố, tôi có cảm giác họ sống mà như không sống, đi mà như không đi. Những mặt người ẩn giấu vẻ vô vọng với đời sống sinh tồn ào ạt. Thẩm Quyến với những cô gái mười tám, đôi mươi trẻ trung, chân dài, hợp mốt lướt trên hè. Những chàng trai bảnh bao ngồi sau tay lái đang nghĩ về những hợp đồng kinh tế hay tính đêm nay sẽ đến với bar, sàn nhảy nào?

Đêm thứ bảy ở Thẩm Quyến, 3 giờ sáng vẫn lao xao, tiếng còi xe inh ỏi. Vì khó ngủ nên tôi thả bộ trên hè phố. Chợt thấy vài chiếc ghế đá để dọc hành lang, nhớ lời hát của nhạc sĩ họ Trịnh “ghế đá công viên dời ra hè phố”. Có đôi tình nhân đang hôn nhau say đắm dưới cơn mưa phùn của cái lạnh khoảng dưới 10 độ trong khuya.

Đi khoảng hai chục mét, có người đang kéo áo chùm đầu, co chân nằm ngủ... Một nhóm các các cô gái và chàng trai loạng choạng dựa vào nhau khi ra khỏi sàn nhảy. Những tiếng cười vang xen lẫn tiếng nói trong cơn say...

Thẩm Quyến, một thành phố xa hoa và lộng lẫy. Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao một thành phố hiện đại, thơ mộng đầy hoa như thế mà cũng không giữ nổi vẻ an lành trên gương mặt của người dân ở đây?

Tôi chợt nhớ Sài Gòn. Chốn phù du nơi cõi người, chỗ nào cũng thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thẩm Quyến xa hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO