Sửa Luật Dầu khí để tăng cường thu hút đầu tư

28/06/2022 06:00

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang trong giai đoạn Quốc hội thảo luận. Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, cần hoàn thiện các quy định của Luật Dầu khí phù hợp với tình hình mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả thăm dò, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí.

Ông Phan Đức Hiếu đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Ông Phan Đức Hiếu đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

* Luật Dầu khí 2008 bộc lộ những hạn chế nên Quốc hội đã quyết định sửa đổi. Mục tiêu đề ra trong sửa đổi luật lần này là gì, thưa ông?

- Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm hướng tới tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, nâng cao hiệu quả thăm dò, sản xuất, kinh doanh dầu khí; điều chỉnh những quy định bất cập liên quan đến khai thác, kinh doanh dầu khí cho phù hợp hợp với bối cảnh mới, tiếp cận tương thích với các thông lệ của quốc tế...

* Vậy dự thảo có những chính sách ưu đãi gì mới để tăng cường thu hút đầu tư?

- Dự thảo đã đưa ra một số cơ chế ưu đãi đầu tư có tính đến yếu tố cạnh tranh với khu vực, với thế giới, như giảm thuế khai thác dầu khí xuống mức tương đương khu vực, giảm thuế xuất khẩu dầu khí để cạnh tranh; thiết kế cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư có tính linh hoạt, phù hợp hơn với từng trường hợp, từng đối tác và trong từng hoàn cảnh cụ thể. 

* Tại cuộc họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu cho rằng cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh hơn việc điều tra cơ bản về dầu khí. Ý kiến của ông thế nào?

- Đẩy mạnh điều tra cơ bản về dầu khí là nhằm phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí của quốc gia. Theo tôi, dự thảo cần mở rộng phạm vi về ưu đãi đầu tư dành cho cả điều tra cơ bản nhằm tăng cường huy động các nguồn lực cho công việc này. 

-3165-1656043515.jpg

* Dự thảo đưa ra mô hình cơ quan dầu khí quốc gia vừa là doanh nghiệp, vừa có một số chức năng quản lý nhà nước. Đánh giá của ông về lựa chọn này?

- Cơ quan dầu khí các quốc gia có mô hình khác nhau. Việt Nam dự kiến lựa chọn mô hình cơ quan dầu khí quốc gia như một doanh nghiệp kinh doanh dầu khí, đồng thời được ủy quyền thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về dầu khí.

Theo tôi, nếu lựa chọn mô hình này, nên có cơ chế để kiểm soát xung đột lợi ích. Bởi một cơ quan đồng thời thực hiện hai chức năng dễ dẫn đến bị lạm dụng khi được trao một số quyền. Cần đánh giá kỹ lợi ích và chi phí khi lựa chọn mô hình cơ quan dầu khí quốc gia, mô hình nào phù hợp trong giai đoạn hiện nay của nước ta thì nên chọn.

* Chồng chéo, thiếu thống nhất về những quy định có liên quan là một bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh đã từng xảy ra. Theo ông, sửa Luật Dầu khí như thế nào để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh các bất cập vừa nêu?

- Theo tôi, về mặt kỹ thuật, cơ quan soạn thảo cần rà soát tối đa nội dung, quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật càng cụ thể, rõ ràng, càng chi tiết càng tốt, qua đó đánh giá và đưa ra những quy định tại Luật Dầu khí sửa đổi có tính khả thi cao, hạn chế những bất cập có thể phát sinh.

Trong trường hợp có nhiều quy định tương tự liên quan giữa Luật Dầu khí và các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... nên thiết kế nguyên tắc hoạt động dầu khí phải áp dụng các quy định tại Luật Dầu khí.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa Luật Dầu khí để tăng cường thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO