Sớm giải bài toán khát vốn

25/05/2012 08:35

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Sớm giải bài toán khát vốn

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Hầu hết các đại biểu đề nghị Chính phủ phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), trong đó nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Phân bổ vốn cho DNNN phải trình Quốc hội

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về kỷ cương ngân sách không bảo đảm. ĐB Trần Hoàng Anh (TPHCM) cho rằng, trong năm 2010, tình trạng khai man, trốn thuế khá phổ biến. Việc thất thu thuế khiến dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các DN, vì vậy cần kiên quyết truy thu nợ đọng thuế.

Ngoài ra, tư duy nhiệm kỳ, chi vượt dự toán, đầu tư dàn trải, chạy dự án đầu tư tràn lan đã gây thất thoát, lãng phí cần chấn chỉnh triệt để.

Cử tri và nhân dân rất lo lắng về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trước đây là sự đổ vỡ của Tập đoàn Vinashin, nay lại đến Vinalines.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng cần làm rõ việc phân bổ ngân sách cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thực tế hiện nay, việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả nhưng không được giải trình.

“Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với nguồn vốn chủ sở hữu đến 30 - 40 tỷ USD, nhà nước không lấy thuế nhưng vẫn kém hiệu quả. Đề nghị trong những lần Quốc hội phân bổ ngân sách tới, Chính phủ phải giải trình nguồn tiền như thế nào, cử tri cả nước rất băn khoăn”, ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng đề xuất trong khi tài nguyên nhà nước dành cho các tập đoàn, DNNN là vô cùng lớn nhưng quá nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ. Những sai phạm có tính hệ thống tại hai “ông lớn” Vinashin, Vinalines là những bài học rất đau lòng.

“Vì vậy trước khi phân bổ nguồn vốn cho các DN này, Chính phủ phải trình Quốc hội phê chuẩn để hạn chế nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước”, ĐB Đỗ Văn Đương và rất nhiều ĐB khác cùng đề nghị.

ĐB Trương Thị Ánh, Võ Thị Dung (TPHCM) cùng đề nghị Bộ Tài chính tăng cường giám sát tài chính, đặc biệt ở khối DNNN.

Phải nới lỏng chính sách tiền tệ

Về tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết các ĐB đồng ý gói giải cứu DN nhưng phải triển khai chặt chẽ, không để lạm phát cao quay lại.

Hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết 13 của Chính phủ, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng bởi nếu GDP giảm sút thì số người thất nghiệp sẽ tăng rất cao. Năm 2012 chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6% - 6,5%, nhưng có thể đạt 5,5% - 6% nếu nỗ lực.

Về các giải pháp tiền tệ Chính phủ đưa ra, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng nền kinh tế hiện nay rất khát vốn, Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà DN phá sản càng nhiều.

ĐB Đinh Thế Huynh (Hòa Bình) lại cho rằng cần đánh giá thực chất, thực trạng hoạt động của các DN. Nói DN gặp khó, nhưng khó tới đâu, khó như thế nào dường như vẫn chưa đánh giá được.

Không chỉ DN nợ ngân hàng mà DN đang nợ lẫn nhau. Phải đánh giá đúng thực trạng mới đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Cần nhìn nhận được tình hình thực, nếu không có thể giải pháp đưa ra sẽ quá mạnh, không đủ mạnh, hoặc không đúng địa chỉ.

Trong 4 tháng đầu năm nay tín dụng vẫn tăng trưởng âm, trong khi từ trước tới nay nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng. Do vậy, mục tiêu đề ra cho tăng trưởng GDP ở mức hợp lý rất khó đạt được.

Cần tính toán để nới van tín dụng một cách hợp lý, đừng để đến lúc quá khó khăn lại tăng giật cục, sẽ làm chuyển sang thái cực khác, mở đường lạm phát tăng trở lại. Điều hành giật cục cũng là yếu tố khiến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn hơn.

Các ý kiến cũng đề nghị ngoài việc nới lỏng chính sách tiền tệ, giải bài toán khát vốn, Chính phủ cần đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho cho DN. “Hàng triệu DN, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại được thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được”, ĐB Trần Du Lịch chốt lại.

Tương tự, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) đề nghị năm 2012 này cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. “Nên đồng bộ 3 giải pháp: hỗ trợ DN, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực Chính phủ có thể kiểm soát như đất đai. Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, các DN co cụm, nên nếu không triển khai các giải pháp thì cũng không thể thu thuế được”, ông Hòa nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sớm giải bài toán khát vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO