Sản phẩm mới, giá phải chăng

14/04/2011 06:33

Giảm công đoạn sản xuất, cơ cấu lại hoạt động chuỗi cung ứng, đưa ra sản phẩm mới giá cả phù hợp... là những cách mà doanh nghiệp trong nước thực hiện để thích nghi trong vòng vây của áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất vay cao.

Sản phẩm mới, giá phải chăng

Giảm công đoạn sản xuất, cơ cấu lại hoạt động chuỗi cung ứng, đưa ra sản phẩm mới giá cả phù hợp... là những cách mà doanh nghiệp trong nước thực hiện để thích nghi trong vòng vây của áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất vay cao.

Công ty Minh Long 1 giới thiệu sản phẩm mới tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở An Giang tháng 4/2011 - Ảnh: CTV

Nhiều doanh nghiệp đi tìm giải pháp để cân đối giữa việc giải quyết những vấn đề ngắn hạn trong kinh doanh và theo đuổi mục tiêu dài hạn.

Hạ giá thành sản phẩm

Đầu tư cho sản phẩm mới

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết trong bối cảnh hiện nay, tâm lý của nhà sản xuất “co kéo” hơn là bung ra. Nhưng nếu dừng lại, doanh nghiệp xem như tự nhường thị phần cho hàng ngoại.

Trong hội chợ hàng VN chất lượng cao tại An Giang vừa qua, những sản phẩm mới của các doanh nghiệp với tiêu chí sáng tạo, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, chất lượng tốt bán rất chạy. Có những sản phẩm trong một giờ đã bán hết sạch, doanh thu lên mấy chục triệu đồng. “Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các sản phẩm mới” - bà Hạnh nói.

Không ít doanh nghiệp ngậm ngùi vì phải hoãn tất cả kế hoạch mở rộng sản xuất trong quý 2/2011. Với lãi suất cho vay ở mức 18-20%/năm, thậm chí có thời điểm doanh nghiệp phải vay đến 22-23%/năm, trong khi lợi nhuận của ngành sản xuất không quá 20%, nhiều đơn vị chuyển hướng kinh doanh phù hợp với thị trường cũng như năng lực sản xuất để bảo toàn vốn.

Ông Lý Huy Sáng, Phó giám đốc điều hành Công ty gốm sứ Minh Long 1, cho biết trong chiến lược phát triển sắp tới, công ty sẽ tập trung mạnh vào thị phần trung cấp bằng những sản phẩm giá phải chăng. Những sản phẩm này vẫn đảm bảo được chất lượng cao cấp với giá trung cấp bằng cách công ty đưa ra những mẫu mã ít đòi hỏi về màu sắc, kiểu dáng đơn giản hơn.

“Hiện nay thị phần trung cấp và bình dân vẫn thuộc về sự kiểm soát của hàng Thái Lan, Trung Quốc. Dòng sản phẩm mới sẽ giúp người tiêu dùng bình dân có cơ hội sử dụng các sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, đặc biệt trong thời điểm chi tiêu của người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán hơn” - ông Sáng cho biết.

Để đối phó với giá cả đầu vào tăng, ông Sáng kể mọi người trong xưởng đã ngồi lại, thảo luận tìm cách hạ giá thành sản xuất như: giảm bớt công đoạn sản xuất hoặc hạn chế hư hỏng nhiều và nâng cao chất lượng sản phẩm so với trước đây. “Chúng tôi đã đưa ra chương trình “Giảm bớt một lần nung” mà sản phẩm vẫn đạt được như mong muốn” - ông Sáng chia sẻ.

Một giải pháp khác “lo tận ngọn” cũng được Công ty bột thực phẩm Vĩnh Thuận tính đến trong tình hình khó khăn hiện nay. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bột bánh xèo, bánh bò, bánh bao... thế nhưng giá gạo thời gian qua nhảy “cà giật” khiến giá thành sản phẩm không ổn định. Vậy là công ty quyết định tổ chức mua gạo tận gốc, ứng tiền trước cho thương lái và mua dự trữ số lượng lớn.

Ngoài ra, các sản phẩm cũng được đóng gói vừa đủ cho một lần sử dụng nên giá bán đến tay người tiêu dùng khá thấp, từ 6.000-10.000 đồng/gói. “Nhờ chủ động trong nguyên liệu đầu vào, đóng gói sản phẩm trọng lượng phù hợp nhu cầu sử dụng, túi tiền của người dân nên doanh thu của chúng tôi vẫn tăng 10% trong ba tháng đầu năm” - ông Văn Tràng, phụ trách marketing của Công ty Vĩnh Thuận, cho biết.

Theo các doanh nghiệp, trong thời buổi giá cả biến động liên tục như hiện nay, đảm bảo chuỗi cung ứng của mình bằng cách gắn chặt với nhà cung cấp để có một sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ tránh sản phẩm bị lên giá liên tục.

Giữ giá bằng... chất xám

Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood, cho biết từ cuối năm 2010 công ty đã mạnh dạn ký kết hợp đồng với Tập đoàn Oracle (Mỹ) để được tư vấn quản trị doanh nghiệp. Việc áp dụng hệ thống quản lý mới sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động lên 15%, tiết kiệm thời gian 30%. Đồng thời quản lý chi tiết, chăm sóc hiệu quả hệ thống khách hàng và thông tin hoạt động của doanh nghiệp hợp lý, truy xuất nhanh chóng.

“Điều quan trọng nhất là quy trình quản lý mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế của ngành thực phẩm dinh dưỡng, tối đa hóa hiệu quả hoạt động các phòng ban nghiệp vụ xuyên suốt công ty” - bà Lệ nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều chỉnh nguyên liệu đầu vào buộc doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán chiến lược của mình trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tăng giá không hợp lý đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước tự lùi bước, doanh nghiệp VN lùi bao nhiêu thì hàng hóa Trung Quốc sẽ lấn tới chiếm thị trường bấy nhiêu. Đó là chưa kể hàng hóa các nước trong khu vực ASEAN luôn trong tư thế lăm lăm vào thị trường VN. “Một khi doanh nghiệp quản trị tốt sẽ giúp việc cắt giảm chi phí giá thành hiệu quả hơn, và họ nên đem phần lợi nhuận này chia sẻ với người tiêu dùng” - bà Lan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sản phẩm mới, giá phải chăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO