![]() |
Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục rất khó khăn do Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) được dự kiến thành lập trong tháng này sẽ không thể xử lý nhanh đề nợ xấu ngân hàng, theo Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn.
>>Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt
![]() |
Nợ xấu vẫn đang cản trở cho vay vào nền kinh tế |
Trao đổi với các PV bên lề hội thảo về cấu trúc giám sát tài chính ngày 16/5 tại Hà Nội, ông Ngoạn nói: “Tín dụng sẽ không thể tăng trưởng nổi do nợ xấu còn nhiều. Vì thế, VAMC không phải là đũa thần giải quyết vấn đề”.
Trong bản dự thảo thành lập VAMC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận nợ xấu đang gây tắc nghẽn dòng vốn vào nền kinh tế, và bày tỏ hy vọng công ty này sẽ giúp xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại.
Ông Ngoạn giải thích: “VAMC dự kiến giúp xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng thì cũng chỉ giải quyết một phần nào tình hình. Giải quyết nợ xấu cũng phải mất vài năm”.
Báo cáo của NHNN vào cuối tháng Hai vừa rồi khẳng định, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm xuống 6% từ mức 8% giữa năm ngoái do nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro.
Theo tính toán của Uỷ ban, hệ thống ngân hàng thương mại đã trích lập khoảng 60.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro. Ông Ngoạn cho rằng, số dự phòng này là không tương xứng với quy mô nợ xấu, trong khi có những ngân hàng chỉ có thể trích lập dự phòng rủi ro rất ít trong khi nợ xấu tăng rất cao.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có nhiều lo ngại. “Tôi biết có ngân hàng dành phần lớn vốn cho vay chỉ một cá nhân, mà cá nhân đó lại dùng số vốn đó cho chỉ một dự án bất động sản”, ông Doanh nói, song không tiết lộ tên ngân hàng. “Điều đó cho thấy, rủi ro trong hệ thống ngân hàng đáng ngại như thế nào,” ông nói.
Theo báo cáo của Uỷ ban gửi tới phiên họp Chính phủ đầu tháng này, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2013 vẫn thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Chỉ tính riêng quí 1/2013, để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng cần phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 (tương đương mức tăng thêm khoảng 50.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt khoảng 1,44% so với đầu năm.
Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thể hiện rõ điều này.
Tính đến ngày 18/4/2013, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,04% so với cuối năm 2012; trong khi cùng thời gian đó, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,44%.
Còn theo số liệu cập nhật trong báo cáo của NHNN đưa ra ngày 15/5, dư nợ tín dụng sau khi giảm trong tháng 1/2013 đã tăng trở lại từ tháng 2/2013, và cuối tháng 4/2013 tăng 2,11% so với cuối năm 2012.
Trong đó, dư nợ tiền đồng tăng 4,15% so với cuối năm 2012. Tính đến cuối tháng 4/2013, huy động vốn đã tăng 5,2% so với cuối năm ngoái.
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế đang góp phần làm suy kiệt các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vì vậy vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, đã có 16.600 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2012.