Quyền tiếp cận nhà ở còn nhiều điểm hạn chế

HẢI VÂN thực hiện| 28/05/2014 04:01

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: "Điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được chính sách về nhà ở và vốn".

Quyền tiếp cận nhà ở còn nhiều điểm hạn chế

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: "Điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được chính sách về nhà ở và vốn".

Đọc E-paper

* Liên Hiệp Quốc trong Công ước quốc tế đã công nhận quyền về nhà ở của người dân. Ông đánh giá như thế nào về quyền này ở Việt Nam?

- Quyền tiếp cận về nhà ở phù hợp của người dân Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế. Tình trạng phát triển tự phát, thiếu hụt hạ tầng đang thách thức lớn cho quá trình đô thị hóa bền vững của Việt Nam. Quyền hưởng dụng của người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, bởi thủ tục hành chính nhiêu khê và giá nhà cao.

Người dân khó tiếp cận nhà ở bởi khả năng chi trả. Việt Nam là nước đang phát triển, người dân có thu nhập thấp, nếu nhà ở tập trung vào những phân khúc cao với giá trên 800 triệu đồng, thì chỉ 20% dân số có thu nhập khoảng 300 USD/tháng tiếp cận được.

* Chính sách phát triển nhà ở cho thuê được xem là giải pháp phù hợp, nhưng thực tế lại chưa được chú trọng. Theo ông, tại sao như vậy?

- Về mặt có nhà ở, tỷ lệ này ở Việt Nam rất cao, chiếm hơn 99%. Nhưng quyền tiếp cận nhà ở phù hợp của người nghèo, người dân nông thôn di cư đến đô thị vẫn chưa được đảm bảo. Nhà ở cho người có thu nhập thấp gần đây được đề cập, nhưng do chi phí xây nhà cao, nên giá thuê nhà cao, người nghèo lại phải tiếp cận hệ thống phi chính thức, nơi giá thuê nhà phù hợp với khả năng chi trả của họ.

* Vậy có gì khác biệt giữa quyền có nhà ở và các quy định về nhà ở trong pháp luật hiện hành?

- Trong quá trình phát triển đô thị, phải lấy con người làm trung tâm, đảm bảo điều kiện sinh kế cho người dân sinh sống. Nhà nước phải giảm thiểu những quy định pháp lý để tạo điều kiện cho người nghèo nhất được tiếp cận nhà ở phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện sống của họ.

Vai trò của chính quyền là đảm bảo các quy định được đặt ra ở các vị trí khác nhau. Chính sách cho một khu cần bảo tồn không thể giống khu tái định cư. Các công cụ kiểm soát phải hướng đến sự tham gia của cộng đồng dân cư.

* Những điều chỉnh như ông nói có thể phù hợp ở một vài địa phương, một vài dự án, nhưng khi áp dụng trên diện rộng thì có phù hợp không?

- Cái còn thiếu hiện nay là khung kiểm soát phát triển với sự tham gia của người dân. Khung kiểm soát này phải mở, không cứng nhắc như quy hoạch, trong đó, quy định các điều kiện mà cả người xây dựng và người quản lý, đều có thể tự kiểm soát, tránh sự can thiệp tùy tiện.
Khung kiểm soát phát triển phải đặt ra những ưu tiên cho từng khu vực. Đặc biệt, với nhà ở cho người nghèo, chính quyền phải tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển phù hợp với không gian sống của từng cộng đồng.

* Theo ông, cơ chế tài chính về nhà ở cho người nghèo phải như thế nào?

- Phát triển quỹ nhà ở và xây dựng thị trường vốn cho nhà ở rất quan trọng trong việc người dân tiếp cận được chính sách, tiếp cận vốn. Hiện chúng ta mới xây dựng cơ chế thị trường, nên việc đó phải làm dần từng bước.

Mặt khác, Nhà nước phải tạo ra những gói tín dụng nhỏ, giúp người nghèo tiếp cận vốn bằng tín chấp của cộng đồng, mà không phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà nước không nhất thiết bao cấp cho các mô hình tài chính này, bởi nó sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền tiếp cận nhà ở còn nhiều điểm hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO