Quản lý giá xăng dầu: cần phân biệt kinh doanh và buôn chuyến

TRÌNH TIÊU thực hiện| 15/05/2014 03:56

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Thủ tướng Chính phủ nên trực tiếp quản lý xăng dầu, bởi xét về lợi ích tổng thể, Nhà nước, doanh nghiệp và người dùng xăng dầu đều được lợi.

Quản lý giá xăng dầu: cần phân biệt kinh doanh và buôn chuyến

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Thủ tướng Chính phủ nên trực tiếp quản lý xăng dầu, bởi xét về lợi ích tổng thể, Nhà nước, doanh nghiệp và người dùng xăng dầu đều được lợi.

Đọc E-paper

* Trong bối cảnh chờ Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu sửa đổi, người dân vẫn phải chịu những bất hợp lý về giá bán. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ, người ta không cho đó là bất hợp lý nên vẫn chịu như vậy cả chục năm nay. Thậm chí, dự thảo nghị định mới chỉ tính theo giá bình quân 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây và cho doanh nghiệp tự quyết tăng giá đến 7% nếu giá cơ sở tăng đến 7%, chỉ cần gửi phương án giá, quyết định điều chỉnh đến cơ quan quản lý nhà nước. Như thế không phân biệt nổi kinh doanh và buôn chuyến. Vấn đề rõ ràng như vậy mà tại sao không thay đổi thì dễ bị suy ra là có lợi ích nhóm.

* Ông bình luận thế nào trước những so sánh về giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam với các nước trong khu vực?

- Giá xăng dầu về mặt nguyên tắc, tất cả các nước đều như nhau, nhập khẩu theo giá thế giới. Chỉ những nước như Ả rập, có chi phí khai thác dầu thô thấp cộng với hệ thống lọc dầu hiện đại, thì giá có thể thấp hơn. Bây giờ giá xăng dầu thế giới đang ở mức bình thường nhưng giá ở Việt Nam tăng lên mức kỷ lục, hơn 24.000 đồng/lít A92!

* Theo ông, tại sao giá xăng dầu nước ta lại khác các nước như vậy?

- Giá khác nhau là bởi thuế. Ví dụ, thuế xăng dầu ở khu vực châu Âu là 2-3 euro/lít, còn ở Việt Nam, ít nhất 1/3 là thuế. Hơn nữa, để liên Bộ Tài chính - Công Thương quản lý xăng dầu là không ổn. Bộ Công Thương là "cha đẻ” của Petrolimex, đơn vị chiếm thị phần chi phối. Còn Bộ Tài chính can thiệp cũng không hợp lý vì trong giá mỗi lít xăng có đến 1/3 là thuế, nên nếu tăng giá bán thì thuế cũng tăng lên. Như vậy, không ai dại gì mà cản trở tăng giá bán lẻ xăng dầu.

* Nhưng lỗ, phải tăng giá để bù lỗ vẫn là lý do thường trực cho mỗi lần điều chỉnh giá?

- Họ nói đúng, có chuyện lỗ từng chuyến. Nhưng một bà buôn chuyến bị lỗ thì tự chịu, còn kinh doanh xăng dầu mà lỗ thì được bình ổn, được giảm thuế, lỗ được tính bù sang lần khác.

Việc điều chỉnh giá bán theo sự lỗ - lãi từng chuyến là rất vô lý, trong khi tính tổng thể lãi lại cao ngất ngưởng. Ở đây, doanh nghiệp không sai, cái sai là mình chấp nhận việc đấy. Doanh nghiệp kinh doanh là phải tính tổng thể, không ai đi tính lỗ - lãi theo từng chuyến, nhưng lâu nay người ta vẫn làm như vậy.

Việt Nam điều hành và quản lý doanh nghiệp xăng dầu theo kểu "lãi treo, lỗ treo". Chẳng hạn, năm nay doanh nghiệp có thể báo lãi, nhưng nếu "không thích" thì lại báo lỗ. Toàn bộ lỗ của mấy năm trước vẫn treo đấy, nếu bây giờ đưa ra xử lý, nó còn lớn hơn gấp mấy lần lãi của năm.

* Thêm thương nhân phân phối xăng dầu, theo ông, giá sẽ minh bạch hơn?

- Kinh doanh xăng dầu là một ngành siêu lợi nhuận, không phải ai muốn kinh doanh cũng được làm. Không phải vô cớ mà bên Trung Quốc, đầu mối xăng dầu, thậm chí cả hệ thống bán lẻ, đều rơi vào tay các tầng lớp có chức có quyền. Hiện nay, xăng dầu ở Việt Nam vẫn chủ yếu là nhập khẩu, Dung Quất chỉ chiếm một phần nhỏ. Cho nên, ngoài việc phải xác định giá nhập khẩu, thì cái gốc của vấn đề không phải là bán lẻ mà ở doanh nghiệp đầu mối.

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý giá xăng dầu: cần phân biệt kinh doanh và buôn chuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO