Quá lãng phí!

BÍCH HỒNG| 25/12/2009 08:09

Trong mạng lưới sân bay dày đặc ở miền Trung, việc “lên hạng” hàng loạt sân bay, thì vốn đầu tư từ bất cứ nguồn nào cũng là sự đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Quá lãng phí!

Trong mạng lưới sân bay dày đặc ở miền Trung, việc “lên hạng” hàng loạt sân bay, thì vốn đầu tư từ bất cứ nguồn nào cũng là sự đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Chuyện thời sự về những đường bay quốc tế đến miền Trung một lần nữa lại rộ lên khi mới đây chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế tích cực xúc tiến đường bay quốc tế đến Huế. Rất nhiều hãng hàng không quốc tế đã đến Huế khảo sát khả năng mở đường bay trực tiếp đến vùng đất có tiềm năng du lịch này. Mười sáu hãng hàng không và 17 công ty lữ hành ký văn bản ghi nhớ sẽ khởi động việc mở những đường bay quốc tế đến sân bay Phú Bài.Tuy rằng trong thực tế, sân bay Huế được biết đến khi năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư thành sân bay quốc tế.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Thừa Thiên - Huế xác định giai đoạn 2006 - 2010 nâng cấp sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế để đón được máy bay B767 hoặc tương đương, phấn đấu đạt công suất 1 triệu lượt khách và 50.000 tấn hàng hóa vào năm 2010; đạt 2 triệu lượt khách và 100.000 tấn hàng hóa vào năm 2020. Kinh phí “nâng hạng” sân bay này dự toán sẽ không dưới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay, Phú Bài đón được duy nhất một chuyến bay quốc tế thuê bao.

Hiện tại, khách quốc tế và nội địa đến Huế mỗi năm 1,1 triệu lượt, cao nhất so với các trung tâm du lịch khác như Hội An, Đà Nẵng, nhưng với sự đầu tư nhỏ giọt, các hãng hàng không quốc tế, kể cả Vietnam Airlines cũng chưa mạo hiểm mở đường bay từ Phú Bài ra các nước trong khu vực. Lý do là sân bay Huế chưa hoàn thiện về hạ tầng và cơ sở kỹ thuật hiện đại.

Trong lúc đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được đầu tư hàng trăm triệu USD để đủ năng lực đón 4 triệu khách vào năm 2010, nay vẫn còn lẻ tẻ với những đường bay đi Hồng Kông, Siêm Riệp, Tokyo, Bangkok, Seoul... bởi mở ra rồi lần lượt đóng lại vì thua lỗ. Không đủ khách tại sân bay Đà Nẵng luôn là kết quả mà các hãng hàng không quốc tế nhận được. Hiện tại, sân bay Đà Nẵng còn duy nhất đường bay Đà Nẵng - Singapore - Siêm Riệp của PB Air, nhưng số khách giảm dần.

Thực tế này buộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng phải tổ chức một hội nghị giữa hãng bay và các công ty lữ hành để bàn biện pháp giảm giá tour, kéo khách cho Silk Air duy trì đường bay. Để tổ chức các đường bay quốc tế khác, thành phố Đà Nẵng kết hợp với Vietnam Airlines và các doanh nghiệp lữ hành lớn hoạt động trên địa bàn xúc tiến thêm các chuyến bay thuê bao đến Hồng Kông, Hàn Quốc. Đến cuối tháng 12 sẽ có một đường bay mới nối Đà Nẵng - Đài Loan. 

Đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế thật đúng chuẩn tại Đà Nẵng là phương án có giá trị kinh tế nhất, hơn hẳn lối đầu tư dàn trải mỗi tỉnh mỗi sân bay để tiếp tục níu kéo nhau phát triển chậm.

Đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế thật đúng chuẩn tại Đà Nẵng là phương án có giá trị kinh tế nhất, hơn hẳn lối đầu tư dàn trải mỗi tỉnh mỗi sân bay để tiếp tục níu kéo nhau phát triển chậm. Sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng cách nhau đúng 80km, mất khoảng 90 phút ô tô di chuyển trong tình trạng giao thông yếu kém hiện tại. Cách Đà Nẵng 90km lại có sân bay Chu Lai cũng đang “ôm kế hoạch” phấn đấu thành sân bay quốc tế. Trong mạng lưới sân bay dày đặc này, việc “lên hạng” hàng loạt sân bay, thì vốn đầu tư từ bất cứ nguồn nào cũng là sự đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Cái sự đòi “nâng hạng” sân bay này của các tỉnh miền Trung là do địa phương nào cũng nhận mình là “đầu tàu kinh tế” khu vực, và mong thu hút thật nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, bất chấp kết quả phát triển không cân đối trong cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Vietnam Airlines miền Trung cho biết, mỗi năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 20%, nhưng do địa lý Việt Nam kéo dài nên khách du lịch chọn vào một trong hai đầu, rồi đi tham quan theo chiều dài đất nước, chứ không thể vào khúc giữa rồi đi ngược lại. Đầu tư nguyên một mạng lưới dày đặc sân bay Vinh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Cam Ranh thì việc tìm khách và hàng hóa dồi dào cho sân bay là bất khả thi.

Ví dụ, sân bay Phú Bài cũng đang áp dụng chính sách ưu đãi cho các chuyến bay quốc tế, nếu có thì cũng chỉ là chia sẻ những chuyến bay vốn đã ít ỏi đến Đà Nẵng mà thôi. Ý kiến của một số hãng lữ hành cho rằng Huế phải phát triển mạnh du lịch kết hợp công vụ thì mới phát triển được đường bay quốc tế cũng là một cách nói không thuyết phục khi cơ sở vật chất phục vụ loại hình du lịch - công vụ của Đà Nẵng đã hoàn chỉnh từ nhiều năm nay. Thực tế này cho thấy, việc đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế thật đúng chuẩn tại Đà Nẵng là phương án có giá trị kinh tế nhất, hơn hẳn lối đầu tư dàn trải để tiếp tục níu kéo nhau phát triển chậm.

Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Huế và Đà Nẵng nên hợp tác kêu gọi đầu tư đường cao tốc 100km nối hai đô thị này trong khoảng thời gian di chuyển bằng ô tô từ 40 - 60 phút, thì nền kinh tế sẽ phát triển mạnh, nhất là ngành du lịch, thương mại, hơn là cạnh tranh đầu tư dàn trải như hiện tại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quá lãng phí!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO