Phương án tăng giá điện sẽ được trình trong quý 1/2010

17/01/2010 07:22

Các động thái tăng giá các mặt hàng chiến lược như than và điện cần có những bước đi thận trọng để không gây ảnh hưởng đột biến cho sản xuất và đời sống người dân".

Phương án tăng giá điện sẽ được trình trong quý 1/2010

"Các động thái tăng giá các mặt hàng chiến lược như than và điện cần có những bước đi thận trọng để không gây ảnh hưởng đột biến cho sản xuất và đời sống người dân".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao đổi với báo chí về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cả người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kiến nghị tăng giá của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)?

Trong năm 2009 giá điện đã được điều chỉnh tăng 8,92%. Đây là chủ trương nhất quán của Chính phủ bởi những lý do sau: Thứ nhất, để đảm bảo cân đối đầu vào đầu ra của các sản phẩm. Thứ hai, khi thực hiện cơ chế giá thị trường, một mặt góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm, đồng thời khuyến khích tiết kiệm của người tiêu dùng bao gồm các nhà sản xuất và các hộ sinh hoạt. Thứ ba, đảm bảo hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp phản ánh đúng hơn so với thực tế và góp phần thu hút các nhà đầu tư.

Đối với than và điện, đây là hai mặt hàng chiến lược có liên quan mật thiết đến cuộc sống của nhân dân và các doanh nghiệp. Do đó, khi tính toán đến việc tăng giá thì phải đảm bảo nguyên tắc thực hiện theo cơ chế giá thị trường, nhưng mặt khác cần phải có những bước đi thận trọng, cụ thể để không gây những biến động lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là đời sống của người dân.

Trên tinh thần đó, EVN cũng có những lý do kiến nghị việc điều chỉnh giá than làm sao để phù hợp với tình hình của ngành điện. Ngược lại, TKV cũng có những kiến nghị để làm sao điều chỉnh giá than phù hợp với điều kiện khai thác và chi phí sản xuất của ngành than. Vì vậy, với kiến nghị của hai tập đoàn này, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, tính toán cụ thể, chi tiết để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường đồng thời không gây ảnh hưởng và xáo trộn lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Theo dự kiến, trong quý 1/2010 sẽ trình Chính phủ những đề xuất các phương án khác nhau đối với giá các loại nhiên liệu, đặc biệt là giá điện và giá than.

EVN đã có văn bản kiến nghị tăng giá điện theo 4 mức để phù hợp với các mức tăng giá than của TKV. Tuy nhiên, những phương án tăng giá này lại không khớp nhau. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều phụ thuộc lẫn nhau, đối với mặt hàng này thì sản phẩm A là đầu vào nhưng đối mặt hàng khác thì sản phẩm A lại là đầu ra. Vì vậy, đối với điện và than thì không thể nói đơn giản rằng giá điện tăng là do giá than tăng, ngược lại cũng không thể nói giá than tăng là do các chi phí khác trong đó có giá điện tăng. Đây là mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau.

Do đó, tính toán tăng giá điện không chỉ có việc điều chỉnh giá than mà còn rất nhiều chi phí khác và đó là nhiệm vụ đòi hỏi Bộ Công Thương cũng như Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tính toán và có những đề xuất phù hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Đối với ngành than, họ cũng có những lý do để kiến nghị với Chính phủ việc điều chỉnh giá than tăng lên theo 4 phương án. Ngành điện cũng có những lý do để phân tích rằng nếu thực hiện các phương án tăng giá than như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến các mức độ khác nhau đến giá thành điện. Do đó, khi cân nhắc tính toán việc tăng giá cần phải thực hiện 3 yêu cầu sau:

Trong năm 2009 giá điện đã được điều chỉnh tăng 8,92%.

Một, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc từng bước điều chỉnh giá của sản phẩm theo hướng cơ chế giá thị trường; Hai, điều chỉnh như thế nào để không gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; Ba, điều chỉnh giá thành, giá bán phải dựa trên những tính toán cụ thể, có cơ sở và hợp lý về chi phí giá thành, chi phí sản xuất, lợi nhuận và từ đó dẫn đến giá sản phẩm hợp lý.

Giá than đã thị trường hóa cho các ngành như giấy, hóa chất, phân bón, xi măng và đều có lộ trình “mềm mại” hơn, mỗi năm tăng 2 – 3 đợt và mỗi đợt chỉ tăng 20 – 30%. Trong khi đó, giá than tăng cho điện thấp nhất là 10% và cao nhất lên tới 138%. Với mức tăng như vậy thì điện sẽ phải tăng từ 6,2 - 13,81%. Vậy, đây có phải là mức tăng đột biến?

Trong việc thực hiện cơ chế giá thị trường của sản phẩm than đối với các sản phẩm khác nhau thì thời gian vừa qua có một thực tế là việc điều chỉnh giá than cho các hộ tiêu thụ khác như phân bón, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng thì được điều chỉnh linh hoạt, dần dần từng bước và mức chênh lệch giá than cung cấp cho các sản phẩm này so với giá thị trường không lớn và không gây nhiều xáo trộn cho các ngành này.

Đối với ngành điện, giá than đã được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài, nên điều chỉnh ngay giá than cung cấp cho điện theo đề xuất của ngành than thì đó là mức tăng tương đối lớn và nếu tính toán không cẩn trọng thì sẽ tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí giá thành điện và từ đó ảnh hưởng đến chi phí cho sản xuất của toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như cuộc sống của người dân. Vì vậy, điều chỉnh giá than cho ngành điện cần phải tính toán linh hoạt và thận trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phương án tăng giá điện sẽ được trình trong quý 1/2010
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO