Phải đấu thầu dự án BOT

THIÊN YẾT| 05/06/2018 04:27

Ngày 4 - 6/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Phải đấu thầu dự án BOT

Các dự án BOT phải qua đấu thầu công khai, minh bạch

Trong phiên chất vấn sáng ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều vấn đề nóng mà các đại biểu Quốc hội nêu ra, chủ yếu liên quan đến tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc huy động vốn theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao).

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đặt câu hỏi về tiến độ triển khai đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ - tuyến giao thông được đánh giá là đòn bẩy cho việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã triển khai nhiều đợt nhưng tiến độ rất chậm do chưa thu xếp được vốn dự kiến cần khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận 2 cũng chưa có kế hoạch xây dựng, do đó trong thời gian dài, các nhà đầu tư không hào hứng tham gia. Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã biểu quyết xây dựng cầu Mỹ Thuận 2. Tháng 9 tới, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên đường cao tốc TP.HCM đi Cần Thơ. Nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã thu xếp vốn gần 7.000 tỷ đồng với 5 ngân hàng cùng với nguồn vốn tự có xem như đã đủ điều kiện để triển khai dự án.

Link bài viết

Về mặt bằng hiện đã giải phóng được 49/51km. Bộ sẽ cố gắng tới năm 2020 thông đường cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ đã tổ chức mời thầu theo đúng quy trình, hiện có 4 liên doanh đủ điều kiện để đấu thầu. Dự kiến khoảng tháng 7, tháng 8, Bộ Giao thông  - Vận tải sẽ tổ chức đấu thầu, để trong năm nay lựa chọn được nhà đầu tư có đủ điều kiện thực hiện dự án.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 trụ cột nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất để hoàn thiện mục tiêu này là bố trí nguồn vốn.

Ước tính giai đoạn 2016 - 2020, tổng đầu tư công khoảng 2 triệu tỷ đồng, nhưng khả năng đáp ứng của các nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng giao thông - vận tải, như vốn ngân sách, ODA, trái phiếu chính phủ chỉ vào khoảng 20 - 30% nhu cầu. Với những hạn chế về ngân sách cũng như tình trạng thu hẹp các nguồn tài trợ ưu đãi đã khiến việc tìm kiếm nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho cơ sở hạ tầng (ước tính khoảng 2,5 tỷ USD/năm) càng trở nên cấp bách.

Không phủ nhận những đóng góp tích cực của việc huy động vốn tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông qua hình thức BOT, BT, nhưng theo các đại biểu Quốc hội, phải có những quy định cụ thể, minh bạch để các nhà đầu tư đủ năng lực có thể tham gia "sân chơi" này, tránh tình trạng lợi ích nhóm, giao dự án không thông qua đấu thầu, gây bức xúc trong dư luận và thậm chí làm thất thoát tài sản nhà nước.

Liên quan vấn đề BOT, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã từng bước xử lý các mặt như quản lý về chi phí, doanh thu, vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, mức giá, chủ trương đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, lựa chọn nhà đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức rà soát toàn bộ các trạm thu phí. Báo cáo của Bộ cũng nêu kết quả rà soát các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT và hướng xử lý các trạm đặt sai chỗ.

Về những giải pháp nhằm khắc phục những điểm bất hợp lý của hình thức đầu tư BOT trong phát triển hạ tầng giao thông, phát biểu kết luận tại phiên chất vấn liên quan đến những vấn đề của ngành giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng, nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Theo Phó thủ tướng, các quy định của pháp luật về BOT phải bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục những kẽ hở trước đây dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Đồng thời phải xác định rõ các tuyến đường, các công trình đầu tư bằng hình thức BOT, công bố công khai để các nhà đầu tư và người dân biết để đăng ký và giám sát trong quá trình xây dựng. Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến mới, không đầu tư trên các tuyến độc đạo. Quan trọng hơn nữa là từ nay phải lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, trước mắt áp dụng trên tất cả các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải đấu thầu dự án BOT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO