Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Nhiều nút thắt đã mở để thu hút đầu tư

Thảo Minh| 25/10/2022 04:00

Mặc dù nền kinh tế sau đại dịch gặp nhiều khó khăn nhưng 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 9,37%, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, toàn tỉnh đã đón nhận thêm 570 doanh nghiệp thành lập mới và 155 doanh nghiệp tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trên 4.700 doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã tiếp nhận 70 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư mới, với 16 dự án được chấp thuận đầu tư.

Đây là những con số đáng tự hào và cũng mở ra nhiều lợi thế, cơ hội cho tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tạo đà tăng trưởng và kêu gọi đầu tư.

Nhiều lợi thế và "nút mở"  

Trong không khí ấm áp, thân tình tại buổi gặp mặt với đoàn doanh nhân TP.HCM trong chương trình "Về nguồn" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 15/10/2022 nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2022), Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết những thành quả mà tỉnh nhà đạt được trong 9 tháng qua là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt và linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm các dự án được xem là động lực tăng trưởng của tỉnh Đồng Tháp trong tương lai, Phó chủ tịch cho biết: "Hiện tại, giao thông từ TP.HCM đến Đồng Tháp hơi vất vả, xa xôi, đường sá đi lại còn nhỏ hẹp nhưng Chính phủ đã có quyết định ưu tiên bố trí khoảng 12.666 tỷ đồng để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông như dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Cùng với đó là 3 dự án đường bộ cao tốc gồm đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Mỹ An - Cao Lãnh và Cao Lãnh - An Hữu. Nếu các dự án này được hoàn thành thì thời gian đi từ Cần Thơ đến  Đồng Tháp cũng như từ TP.HCM đến Đồng Tháp sẽ ngắn lại, thay vì hiện tại là hơn ba tiếng thì chỉ còn hai tiếng. Đây chính là thế mạnh kích thích động lực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới".

Thông tin về triển vọng hợp tác cũng như định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, Phó chủ tịch Huỳnh Minh Tuấn cho biết thêm, Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, sản xuất hầu hết là lúa, nuôi trồng thủy sản. Đối với lúa thì diện tích sản xuất đứng thứ ba cả nước, sau Kiên Giang và An Giang. Đối với cá tra thì Đồng Tháp đứng đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 và trong năm 2022 đã cơ bản đạt và có khả năng vượt kế hoạch là 1,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu nông, thủy sản. 

Điều đáng nói là hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được khôi phục và cải thiện, năng lực sản xuất công nghiệp gia tăng. Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động đã giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc. Những thành quả quan trọng này có phần đóng góp không nhỏ của các doanh nhân và doanh nghiệp tỉnh nhà.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi thông tin với đoàn doanh nhân TP.HCM

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi thông tin với đoàn doanh nhân TP.HCM

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

So với các tỉnh , địa phương khác, lợi thế để Đồng Tháp kêu gọi đầu tư có lẽ là chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thông thoáng và minh bạch. Đặc biệt là chủ trương "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" không chỉ là một khẩu hiệu suông mà còn xuyên suốt trong mọi hoạt động mà tỉnh đang thực thi và hướng đến. 

Mong muốn được hợp tác và kêu gọi các doanh nhân từ các tỉnh và TP.HCM đầu tư vào Đồng Tháp, Phó chủ tịch cho biết, trong định hướng phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo tỉnh đã thể hiện rõ quan điểm "phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021-2025; xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để đưa quyết sách này được triển khai một cách hiệu quả, tỉnh Đồng Tháp đã xác định vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, mặc dù Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng tỉnh cũng có không ít khó khăn, ngay khi Đồng Tháp được phép triển khai các trục giao thông liên hoàn, có rất nhiều nhà đầu tư đã đến Đồng Tháp nghiên cứu và có kế hoạch phát triển sản xuất các lĩnh vực khác như công nghiệp, công nghệ. Tuy nhiên, do Đồng Tháp là vùng đất nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực được xem là nhiệm vụ chính nên muốn phát triển sản xuất, công nghiệp tại tỉnh là rất khó. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng là vùng trũng nên muốn phát triển các ngành khác, đặc biệt là công nghệ phải hoàn thiện rất nhiều dự án khác như việc san lấp mặt bằng, hạ tầng giao thông...

Trước nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Đồng Tháp đang cố gắng phát huy nội lực cũng như là kêu gọi và mong muốn có thêm nhiều nguồn ngoại lực khác từ các tỉnh, thành khác cùng hợp sức, đầu tư để phát triển toàn diện về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa...

Với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt thứ hạng cao trong suốt 14 năm vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục nỗ lực đồng hành và trăn trở làm thế nào để phục vụ tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Mặc dù các thủ tục, chính sách của Nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Vì thế, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến góp ý của doanh nghiệp để ngày càng hoàn thiện. "Chỉ khi có một chính quyền thật sự tận tụy phục vụ thì doanh nghiệp mới có được môi trường lành mạnh hơn để sản xuất kinh doanh thuận lợi", ông Tuấn cho biết.

9 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định, gắn kết lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 53.429 tỷ đồng, tăng 9,07% so với cùng kỳ năm 2021 (14). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành công nghiệp đạt 53,03% trong quý III và đạt 16,08% trong 9 tháng đầu năm 2022. Hầu hết sản phẩm công nghiệp đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như thủy sản chế biến; gạo; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự; thuốc lá điếu có đầu lọc; cát khai thác; thức ăn chăn nuôi; sản phẩm may mặc; bia; giày da. 

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 50,38% trong quý III và tăng 15,9% trong 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, hầu hết sản phẩm công nghiệp đều có sản lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. 

Phục hồi thương mại, dịch vụ, thúc đẩy liên kết phát triển với các địa phương. Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm được tổ chức, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp phục hồi nhanh; tất cả chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động với công suất 100%. 

Các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi tăng trưởng: 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt mức 79.725 tỷ đồng, tăng 20,98% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 13,03% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 76,5% kế hoạch). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực thương mại - dịch vụ đạt 29,11% trong quý III và đạt 15,22% trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 85,9% so với cùng kỳ năm 2021; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2021; ngành sản xuất và phân phối điện, hơi nước tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021; ngành cung cấp nước và quản lý, xử lý rác thải tăng 33,33% so với cùng kỳ năm 2021. 

Phát triển doanh nghiệp: Ước tính trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 570 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 62,86% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng vốn đăng ký khoảng 4.100 tỷ đồng và 155 doanh nghiệp tái hoạt động. Tình hình giải thể doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm không có biến động, ước tính có 73 doanh nghiệp giải thể tự nguyện phát sinh (tương đương so với cùng kỳ) và dự kiến hoàn tất quy trình giải thể do thu hồi đối với 317 doanh nghiệp (phát sinh trong giai đoạn 2017-2020, do bỏ địa chỉ, giải thể nhưng chưa thực hiện thủ tục), số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm thời ngừng kinh doanh là 235 doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 4.700 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp được tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Nhiều nút thắt đã mở để thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO