Nông nghiệp Việt Nam "hưởng lợi" từ đại dịch

Nguyễn Hoàng| 11/09/2020 07:00

Một số ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam đều "bội thu" trong 8 tháng qua nhờ Covid-19, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6,2 tỷ USD.

Covid-19 đang tấn công nền kinh tế toàn cầu, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam lại được "hưởng lợi" từ các đợt phong tỏa với việc trong 8 tháng qua, xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. 

Tổng giám đốc Phạm Thái Bình Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ để sẵn sàng xuất khẩu. Ông Bình nói rằng Covid-19 đã "tác động đủ mạnh" để người tiêu dùng dứt khoát hơn trong lựa chọn gạo sạch. 

Giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại châu Á đang tăng - tin tốt đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Tin tốt nữa là theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019.

Việt Nam đã vượt Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020

Việt Nam đã vượt Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020

Cùng với đó là xu hướng tăng tích trữ của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch và sở thích ăn uống tại nhà. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal gấp 19,8 lần, đạt 41.400 tấn (14,7 triệu USD), Indonesia gấp 3,1 lần, đạt 59.300 nghìn tấn (33,3 triệu USD), Trung Quốc tăng 84%, đạt 493.000 tấn (293,4 triệu USD). Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10. 

Theo dữ liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ 8 tháng đầu năm vượt trội, ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu gỗ và đồ gỗ, chiếm 77,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam. 

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhờ giữ được tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ nên năm 2020 ngành gỗ có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ USD. 

Dù vậy, theo TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công thương, mức độ ổn định trong xuất khẩu chưa thể như mong muốn trong bối cảnh nhiều thị trường lớn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đơn cử, ngành thủy sản vốn có nhiều mặt hàng có thế mạnh, nhưng giá trị xuất khẩu 8 tháng qua mới đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019, do nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong Liên minhchâu Âu và Mỹ sụt giảm và việc vận chuyển, tiếp nhận gặp khó khăn.

Thương mại hàng hóa toàn cầu cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý II/2020 khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp cho rằng: "Không nên xem xuất siêu là một mục tiêu để phấn đấu vào lúc này, khi mà dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực".

Cũng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, nông nghiệp Việt Nam vẫn đặt nặng xuất khẩu. Đã đến lúc trở lại đầu tư cho thị trường trong nước, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, cơ chế và chính sách về nông nghiệp phải chú trọng thị trường nội địa, bao gồm cả sản xuất và tiêu thụ. Chính sách phải chú trọng phát triển bền vững, bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, đề cao vai trò doanh nghiệp nhưng cũng phải quan tâm đến nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp Việt Nam "hưởng lợi" từ đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO