Những luật mới được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9

V.T| 27/06/2015 06:19

Nhiều luật quan trọng như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) … đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Những luật mới được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9

Nhiều luật quan trọng như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) … đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào sáng 19/6. Luật gồm 7 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Theo quy định của Luật, Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thành viên của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ và quyền hạn như: Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia...

>>Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Về số lượng cấp phó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) vào sáng 25/6. Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước.

>>Dự Luật Kiểm toán độc lập: Có làm khó doanh nghiệp?

Luật cũng đưa ra một số quy định cấm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước; cấm thu sai quy định của các luật thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; cấm vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; cấm sử dụng ngân sách Nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật...

Luật Ngân sách có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)

Sáng 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Luật có 9 chương, 73 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên Nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Nghị quyết về thực hiện chính sách BHXH một lần

Chiều 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

Theo Nghị quyết này, người lao động sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

>>Quốc hội thông qua 5 luật

Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

>>Thông qua 8 luật: Không thu thuế nhà ở

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những luật mới được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO