Nhớ về ông Sáu Dân - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

PHAN CHÁNH DƯỠNG| 29/05/2009 09:37

Một năm đã qua kể từ ngày 8/5 âm lịch năm Mậu Tý, ông Sáu Dân không còn gọi anh em đến trò chuyện nữa, nhưng những tiếng nói trầm lắng đầy ưu tư của ông trong những ngày tháng cuối đời hình như vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi.

Nhớ về ông Sáu Dân - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Một năm đã qua kể từ ngày 8/5 âm lịch năm Mậu Tý, ông Sáu Dân không còn gọi anh em đến trò chuyện nữa, nhưng những tiếng nói trầm lắng đầy ưu tư của ông trong những ngày tháng cuối đời hình như vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi. Nào phát triển vùng Tây Nguyên gắn với bảo vệ môi trường và cuộc sống của đồng bào dân tộc, nào phải vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngang tầm với tiềm năng, trở thành một vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nào tạo điều kiện để bà con Việt kiều trở về góp phần xây dựng quê hương...

Trên công trường xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất


Anh Nguyên Ngọc nói rằng trí thức là người “sớ rớ” vào công việc của người khác. Nhưng với ông Sáu Dân, hình như đó là công việc của chính ông, không những thế, ông còn kéo mọi người cùng tham gia. Thật ít có ai có thể từ chối chia sẻ khi nhìn thấy sự ưu tư thời cuộc và không thể không lạc quan, tự tin khi nhìn gương mặt rạng rỡ với tiếng cười hào sảng của ông. Quả thật, hình bóng cũng như âm vang tư duy của ông vẫn đi theo thời cuộc của đất nước và đọng lại trong lòng những người mến mộ ông.

Anh em mến mộ, kính phục ông Sáu Dân không hoàn toàn do thành tích cách mạng trong quá khứ, trong công cuộc đổi mới xây dựng nền kinh tế, mà do ý chí kiên cường không ngơi nghỉ để tìm kiếm một hướng vươn lên cho đất nước trong mọi tình huống. Từ khát vọng ấy, ông đã lắng nghe mọi ý kiến, mọi đề xuất sáng tạo từ mọi nguồn để có những quyết đoán táo bạo, theo tinh thần dám làm - dám chịu trách nhiệm.

Từ đó các chủ trương, chính sách đổi mới đã phá được những ràng buộc của cơ chế cũ, tạo điều kiện cho các luật lệ, quy chế mới ra đời để điều hành nền kinh tế thị trường. Ông đã phê duyệt nhiều công trình xây dựng kinh tế quan trọng mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hôm nay.

Việc xóa bỏ ngăn sông cấm chợ đã làm cho nền kinh tế cả nước được liên thông, nhờ đó người nông dân được làm chủ sản phẩm của mình và thông qua thị trường, trị giá của sản phẩm nông nghiệp được phản ánh đúng, từ đó khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Đồng thời qua hệ thống thương lái, sản phẩm hàng hóa đã đến được những nơi cần một cách nhanh chóng, kịp thời, kết quả là bài toán thiếu lương thực ở các vùng khó khăn trong cả nước được giải quyết.

Hệ quả tiếp theo là Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo quan trọng liên tục cho đến nay. Kết quả đó đã khẳng định những chủ trương, tháo gỡ, vượt rào cản nhằm “bung” sản xuất của ông Sáu Dân là đúng đắn, tạo nền tảng cho tư duy đổi mới, từng bước xây dựng cơ chế điều hành nhà nước mới theo phương thức quản lý kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường, bao gồm cải cách hệ thống ngân hàng, cơ chế giá, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, tạo tiền đề mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đưa Việt Nam vươn lên thành nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, nâng cao được vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian lãnh đạo bộ máy chính phủ, ông Sáu Dân đã có những quyết định xây dựng cơ cở hạ tầng, phê duyệt các đề án kinh tế lớn có tác dụng như đòn bẩy, tạo tiền đề phát triển kinh tế thời mở cửa hội nhập mà điển hình là đường tải điện Bắc Nam 500kV, đường quốc lộ Tây Trường Sơn, nhà máy lọc dầu Dung Quất, các khu chế xuất, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh… Đến nay, các công trình trên đã phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giữ thế ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nước ta.

Sau khi về hưu, công việc thường ngày của ông Sáu Dân ít bề bộn hơn, nhưng hình như những vấn đề mà ông quan tâm lại rộng hơn, sâu hơn. Điều ngạc nhiên nhất là những vấn đề kinh tế - xã hội cốt lõi được ông đưa ra từ góc nhìn mới, từ những khía cạnh khác nhau, với tầm nhìn xa tới tương lai, quan tâm tới những lợi ích lâu dài của nhân dân, của đất nước. Đây là một năng lực hiếm có của người đã trên 80 tuổi.

Ông biết nhóm anh em chúng tôi thường gặp nhau chiều thứ Sáu nên đôi khi đưa vài đề tài, nội dung kinh tế - xã hội để những anh em trao đổi. Ông vẫn thường nghe ý kiến phát biểu của từng người và cho ý kiến nhận xét riêng của mình để mọi người góp ý hay phản biện. Sau đó, ông còn mời riêng từng người có ý kiến mà ông quan tâm để bàn sâu hơn, để chốt lại nội dung ý tưởng. Nhiều khi, ông còn đề nghị anh em phác họa ý tưởng thành một đề tài nghiên cứu để áp dụng sau này.

Những năm cuối đời, ông đã cùng một số nhà trí thức và doanh nhân đi tham quan đường Tây Trường Sơn. Vùng Tây Nguyên lúc đó gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lăk, Đắc Nông, không bao gồm tỉnh Lâm Đồng. Từ khoảng năm 2003, tình trạng nhập cư tự phát ồ ạt đến hồi cao điểm, dân nhập cư chiếm rừng, khai thác gỗ, khai hoang đất để trồng cây lương thực, gây rối loạn tại Tây Nguyên. Ông Sáu Dân rất quan tâm đến việc này nên đưa ra mời anh em trao đổi. Vấn đề chốt lại về Tây Nguyên như sau:

- Bảo vệ môi trường thiên nhiên, rừng và nước ngầm, nước mặt. Phải giữ được nước ngầm theo mức nước trước đây thì mới giữ được rừng. Từ đó, phải cân đối cây trồng với cây rừng, tương quan giữa loại cây sử dụng nước và loại cây giữ nước phải tuân theo tỷ lệ hợp lý và phải tuân thủ nghiêm ngặt.

- Bảo vệ môi trường sống và lợi ích của người dân tộc tại chỗ một cách triệt để, vì đó là yếu tố quyết định cho việc bảo vệ sự ổn định chính trị - xã hội và an ninh, quốc phòng lâu dài cho Tây Nguyên.

- Phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự nhập cư tự phát, đồng thời xử lý tốt việc an cư lạc nghiệp của người đã nhập cư.

- Đề ra một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Tây Nguyên, gắn liền với sự phát triển kinh tế của các vùng chung quanh, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với đặc tính của vùng Tây Nguyên, với chiến lược phát triển chung của cả nước.

Với ý tưởng đó, nội dung thứ tư mang tính quyết định, làm cơ sở cho ba nội dung còn lại. Với yêu cầu này thì Tây Nguyên không thể không bao gồm tỉnh Lâm Đồng và vùng Đà Lạt sẽ trở thành mũi đột phá không những cho Tây Nguyên, mà còn có vai trò vô cùng quan trọng cho tương lai cả vùng miền Nam Việt Nam, và có thể rộng hơn, cho cả nước.

Nếu nhìn bản đồ từ không gian ba chiều (3D) thì Tây Nguyên là vùng cao như mặt bàn, trên đó có bình hoa là vùng Đà Lạt rồi vươn ra, đổ xuống biển Đông, nối liền vùng duyên hải miền Trung từ Quy Nhơn xuống đến Phan Thiết - một dải đất dài đầy cảnh quan xinh đẹp như tấm khăn thêu trải bàn.

Hướng xuống phía Nam là tiếp nối vùng Đông Nam bộ (bao gồm đến TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh) với độ cao thấp hơn như những chiếc ghế quanh chiếc bàn Tây Nguyên. Cuối cùng là vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nơi đảm bảo lương thực cho cả nước, là cái nền nhà của ba vùng trên và là vùng kinh tế trọng điểm nhất nước khi nền kinh tế tăng tốc nhờ công nghệ sinh học trong tương lai không xa.

Như thế, bốn vùng có đặc tính thiên nhiên khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau rất rõ nét. Nếu xây dựng lại hệ thống giao thông với đường cao tốc nối liền các vùng này với nhau trong khoảng cách từ hai đến bốn giờ xe thì sức mạnh kinh tế hiện nay của mỗi vùng sẽ tăng lên gấp bốn lần trở lên. Đây là tiền đề cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo ý tưởng nêu trên.

Vùng Đà Lạt với độ cao từ đường đồng mức 1.000m trở lên có khí hậu quanh năm rất phù hợp với cuộc sống của người lao động trí óc. Trước mắt đó là khu du lịch nghỉ dưỡng tốt nhất của nước ta, cũng như của các nước khu vực Đông Nam Á. Nếu quy hoạch, tổ chức tốt ở quy mô cấp quốc gia trên cơ sở gắn kết với vùng Đông Nam bộ và vùng duyên hải các tỉnh Nam Trung bộ, Đà Lạt sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của toàn Tây Nguyên.

Trong tương lai, nếu quy hoạch Đà Lạt trở thành đô thị tri thức hay thành phố giáo dục và nghiên cứu của cả nước với những trường đại học, viện nghiên cứu tầm cỡ thì đây không chỉ là thành phố du lịch mà còn là thành phố tri thức như một Boston của Việt Nam, là một thủ đô trí tuệ của Việt Nam trong tương lai.

Có thể có người cho rằng đó là sự tưởng tượng quá đà, nhưng ông Sáu Dân không bao giờ bỏ qua những ý tưởng như thế, thậm chí ông còn khuyến khích suy nghĩ nhiều hơn để có thể xây dựng được những đề án khả thi. Ông rất quan tâm đến chất xám của người Việt Nam đang sống trên khắp thế giới.

Phải làm cách nào và với điều kiện nào để mọi người Việt Nam dù sống ở đâu, mang bất cứ quốc tịch nào, miễn là có lòng yêu nước là có thể ngồi lại với nhau, cùng nhau góp công góp sức xây dựng đất nước. Hy vọng những điều lo âu, bức xúc của ông Sáu Dân vẫn sẽ được những người lãnh đạo đất nước và biết bao người mến mộ ông còn nhớ đến... Ắt hẳn bao người vẫn nhớ, nhớ mãi cái bắt tay, gương mặt rạng rỡ, với tiếng cười hào sảng của nhà lãnh đạo ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ về ông Sáu Dân - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO