Nhìn đúng về tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp

22/05/2010 00:05

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định về tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn đúng về tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định về tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Muốn rút ngắn thời gian, phải có chiến lược đúng

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định về tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Những xu thế phát triển trên thế giới đặt ra cơ hội cũng như thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội mới là người đi sau nên có thể rút ngắn được giai đoạn phát triển. Lịch sử thế giới cho thấy châu Âu làm cuộc cách mạng công nghiệp phải mất hai thế kỷ, Nhật Bản thực hiện trong 50 năm, Hàn Quốc công nghiệp hoá chỉ khoảng 30 năm. Nhưng đi sau muốn rút ngắn thời gian thì phải có chiến lược đúng.

Toàn cầu hoá tạo ra cơ hội rất lớn về thị trường nhưng sức ép cũng lớn, bởi các công ty nước ngoài có thể đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bản chất cạnh tranh là làm thế nào chiếm thị trường và lôi kéo người tiêu dùng về phía mình. Vì vậy, cạnh tranh chính là tìm ra lối đi phù hợp nhất, chọn được đối tượng tiêu dùng, thị trường mục tiêu mà mình hướng tới, tạo được bản sắc riêng thu hút người ta.

Xúc tiến thương mại phải được hiểu đúng là đưa đến cho người tiêu dùng một giá trị người ta cần và phương pháp truyền đạt giá trị ấy. Chính phủ đã đặt ra yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vào chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2011 – 2020. Trong yêu cầu tái cấu trúc ấy, có tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Liên kết doanh nghiệp lớn – nhỏ

Về tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ: phương thức chủ yếu là chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại nhằm tăng năng suất, giá trị gia tăng và hàm lượng nội địa của sản phẩm.

Xuất khẩu của Việt Nam mấy năm nay tương đối cao, bốn tháng đầu năm nay cũng tăng 8,9% so cùng kỳ, nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp. Lấy ví dụ, nhà máy Samsung làm điện thoại di động, quý 1 vừa rồi họ xuất khoảng 1 tỉ USD, hy vọng đạt 5 tỉ USD/năm, nhưng trị giá nhập khẩu linh kiện chiếm đến 90% giá thành, trong đó 90% nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự. Vì vậy, phải phát triển mạnh công nghiệp hộ trợ.

Phát triển công nghiệp hộ trợ từ trước tới nay kêu gọi nhiều nhưng không có cơ chế thực thi. Ở Hàn Quốc, các dự án nhỏ thì tập trung cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển, còn những dự án lớn mới thẩm định cho nước ngoài đầu tư nhưng kiểm soát chặt việc cấp đất và bảo vệ môi trường. Sẽ không ổn khi chúng ta phân cấp về cấp phép đầu tư không dựa theo một quan điểm rõ ràng với cái nhìn hệ thống mà chỉ “chạy theo yêu cầu” phân cấp, mặc dầu phân cấp là đúng. Nếu chúng ta cứ để đầu tư nước ngoài vào những dự án nhỏ, không cần nhiều vốn thì doanh nghiệp nhỏ trong nước luôn luôn nhỏ, không bao giờ lớn.

Trở lại vấn đề phát triển ngành công nghiệp hộ trợ, có mấy yêu cầu đặt ra. Phải phân lớp sản phẩm để tìm ra sản phẩm Việt Nam có lợi thế, phải phát triển theo cụm nhóm, có cơ chế ưu đãi phát triển công nghiệp hộ trợ, thu hút các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp hộ trợ; lại phải tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp, kể cả liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cân bằng thị trường

Về tái cấu trúc doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc vì mỗi loại công nghệ sản xuất đặt ra một yêu cầu mới về tổ chức và quản lý doanh nghiệp. Hiện nay thế giới đang đi theo hai hướng có vẻ trái ngược nhau nhưng lại hoàn toàn thống nhất. Một là tập trung lại, hình thành những công ty lớn để đảm bảo năng lực đầu tư công nghệ cao, doanh nghiệp lớn mới có năng lực tài chính để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và hình thành chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chung. Mặt khác là hướng phân quyền rất mạnh để đảm bảo sự năng động trước thay đổi của thị trường, đó là xu thế diễn ra gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên chú ý điều chỉnh chiến lược thị trường. Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì sẽ khó khăn khi nền kinh tế thế giới suy giảm, nhu cầu tiêu thụ ở các nước giảm. Vì vậy, cần điều chỉnh lại chiến lược thị trường theo nghĩa là phát triển cân bằng hơn giữa thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Vẫn phải tiếp tục khuyến khích xuất khẩu – một mũi quan trọng phát triển kinh tế, nhưng cũng phải quan tâm phát triển thị trường nội địa.

Trong bốn tháng qua, thị trường nội địa tăng trưởng rất cao, tổng doanh số hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tăng 25% so với cùng kỳ, đang trở thành yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Một số tổ chức đánh giá nước ngoài cho rằng thị trường nội địa Việt Nam đang vượt lên cả Trung Quốc và Ấn Độ về tốc độ tăng trưởng vì Việt Nam có dân số trẻ đông, nhu cầu tiêu dùng cao. Cần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam bỏ trống thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn đúng về tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO