Nhiều ý kiến đề xuất giảm thời gian cách ly tập trung

P.V| 22/11/2021 08:00

Kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vaccine và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung.

Nhiều ý kiến đề xuất giảm thời gian cách ly tập trung

Theo công văn vừa gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM (TP) đã kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ bảy. Kiến nghị này nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tăng hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị F0 trong bối cảnh số ca mắc mới tại các quận huyện ở TP có xu hướng tăng nhẹ. 

Cụ thể, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết, thời gian gần đây số ca mắc mới tại các quận huyện TP có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt ở Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Tân, Q.12. TP đang cách ly điều trị 66.722 F0, trong đó hơn 48.900 F0 cách ly tại nhà và 5.185 F0 tại các khu cách ly tập trung (chiếm khoảng 81%). Đây là các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Theo Sở Y tế, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 6/10/2021, cùng với dùng thuốc Molnupiravir, nhiều F0 mất hẳn triệu chứng sau 1 tuần cách ly và kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên theo quy định, trường hợp này phải cách ly 14 ngày, cùng với số ca mắc mới tăng khiến các khu cách ly tập trung, bệnh viện có nguy cơ quá tải.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP) khẳng định việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho công tác phòng chống dịch. Thời gian cách ly, điều trị ngắn sẽ khiến tâm lý người bệnh bớt nặng nề, F0 sẽ vui vẻ hơn và từ đó dễ khỏi bệnh. Ngoài ra, điều này cũng giúp giảm rất nhiều chi phí cho ngành y tế trong việc tiếp nhận chăm sóc và điều trị.

Link bài viết

Cùng quan điểm, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh (Phó trưởng Bộ môn Nhiễm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng nhìn lại giai đoạn qua, có thể thấy việc cách ly 14 ngày, thậm chí 21 ngày khiến ngành y tế khá vất vả, phải huy động nguồn nhân lực rất lớn, làm mỏng đi lực lượng tại các bệnh viện.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ vaccine và âm tính vào ngày thứ 7, nếu kéo dài cách ly đến đủ 14 ngày sẽ gây quá tải không đáng có. "Nhân lực y tế bây giờ rất quan trọng, cần tập trung lực lượng này để theo dõi, điều trị, cứu sống những F0 nặng, nguy kịch, thay vì dồn sức phục vụ thời gian dài những người đã âm tính", bác sĩ Khanh nói.

Các chuyên gia cho rằng việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày là hoàn toàn khả thi, hợp lý. Theo bác sĩ Vân Anh, điều kiện tiên quyết để giảm thời gian cách ly tập trung F0 là khi họ đã giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. "F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sau một tuần điều trị hầu như đã không còn hoặc chỉ còn rất ít nguy cơ lây nhiễm, thậm chí có thể đã khỏi bệnh", bác sĩ Vân Anh phân tích.

Do đó, nếu giảm thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày sẽ mang lợi ích cho công tác nhân sự, tiết kiệm ngân sách và các F0 cũng sẽ thoải mái hơn. Điều quan trọng lúc này là làm sao chuẩn bị đủ cơ số các loại thuốc để cung cấp cho F0 sử dụng rộng rãi hơn, không để bệnh nhân thiếu thuốc.

Phó giáo sư Dũng cho rằng với người bệnh được sử dụng thuốc molnupiravir thì chỉ nên cách ly trong 7 ngày, nếu không dùng thuốc này thì có thể yêu cầu cách ly tối thiểu 10 ngày. "Việc điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng virus molnupiravir thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá cao, có tác dụng diệt virus rất tốt, một số nghiên cứu cho thấy sau khi dùng thuốc 5 ngày thì nguy cơ lây lan không còn nữa", ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều ý kiến đề xuất giảm thời gian cách ly tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO