Nhiều khi cũng phải có "tiền tươi, thóc thật"

TRÌNH TIÊU thực hiện| 05/06/2013 08:45

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định: "Doanh nghiệp (DN) khó khăn là vấn đề bao trùm, tăng trưởng sẽ tiếp tục khó”.

Nhiều khi cũng phải có

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định: "Doanh nghiệp (DN) khó khăn là vấn đề bao trùm, tăng trưởng sẽ tiếp tục khó”.

Đọc E-paper

* Hiện tại, lãi suất và tiếp cận tín dụng là các vấn đề DN quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này?

- Lãi suất hạ là xu hướng chung hiện nay. Chính phủ đang muốn giảm xuống nữa. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nói đã có DN được vay với lãi suất 8 - 9%, nhưng mức lãi suất này phải được cho vay đại trà. Chúng ta đã có những khoản vay 10 - 12%, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn, do không còn tài sản thế chấp, đang nợ.

Nhưng vấn đề của các DN hiện nay, không chỉ nằm ở lãi suất, chuyện khơi nguồn tín dụng mới đặc biệt quan trọng. Hiện, số dư tiền gửi tăng 5,8% so với cuối năm 2012, tổng dư nợ tín dụng VND cũng tăng 4,38% nhưng sức mua của thị trường chưa cải thiện, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu.

Khi cầu trên thị trường không có, ngay cả những DN đủ điều kiện vay vốn, vẫn không vay. Chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 5 của công nghiệp chế biến tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Đây là lý do khiến tín dụng không tăng. Tổng cầu giảm đang là vấn đề lớn. Chúng ta phải có giải pháp tăng tổng cầu, khuyến khích tiêu dùng, như vậy DN mới có thể tiếp tục vay vốn để sản xuất, kinh doanh.

* Như ông nhận định, tổng cầu đang yếu, vậy tăng lên bằng cách nào?

- Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và xem xét việc tăng mức khống chế chi môi giới, hoa hồng, quảng cáo từ 10% lên 15%. Tôi cho rằng, không nên áp đặt định mức chi phí 10% mà nên mở rộng.

Vấn đề ở đây là phải bán được hàng, nếu Nhà nước chưa có điều kiện kích cầu, hãy để cho DN làm. Khi DN không bị khống chế, sẽ mở rộng các hoạt động, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến khích người dân tiêu dùng. Nếu chúng ta áp mức chi phí sẽ khó cho DN.

Một vấn đề nữa, với những công trình có vốn ODA đang thiếu vốn để giải phóng mặt bằng, làm các thủ tục, cần khoản chi bổ trợ, Nhà nước nên chi ngay. Các dự án ODA rất lớn, nhưng vốn không ra được, thì không thể kích cầu được.

Mặt khác, Nhà nước cũng phải cân nhắc việc nới lỏng chính sách tài khóa, tất nhiên phải luôn thận trọng, bởi lạm phát có thể quay trở lại. Nhưng với những công trình đã thực hiện đến 80% vừa qua tạm dừng để chống lạm phát, bây giờ phải tính cách khởi động lại, như vậy tổng cầu mới tăng được.

* Một yếu tố nữa liên quan đến khơi thông nguồn tín dụng là phải xử lý được nợ xấu. Ông kỳ vọng gì vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vừa được thành lập?

- VAMC là một sáng tạo. Nhưng thực chất, đây chỉ là cách giãn các khoản nợ, với thời hạn cho phép là 5 năm. Các ngân hàng không bị vướng bởi các khoản nợ lớn sau khi đã chuyển nợ về VAMC, DN cũng có điều kiện tiếp cận tín dụng mới.

"Câu giờ" cũng là một giải pháp, nhưng để giải quyết căn cơ, có lẽ phải thêm các giải pháp khác nữa và nhiều khi cũng phải có "tiền tươi, thóc thật". Chẳng hạn, cổ phần hóa DNNN, bán được và có người mua thật, có tiền thật, chúng ta sẽ xử lý nợ xấu nhanh hơn và về bản chất sẽ cơ bản hơn.

* Từ nay đến cuối năm, theo quan sát của ông, những vấn đề này sẽ chuyển biến theo hướng nào?

- Sẽ chuyển biến tích cực. Tôi tin như vậy. Bởi vấn đề đã được nhận biết và Quốc hội đang thảo luận. Chính phủ cũng đã có những giải pháp và có thể tháng 10 này sẽ trình Quốc hội cho phép có trái phiếu chính phủ để đầu tư cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là quốc lộ 1A.

Nếu có được quyết sách đó, chúng ta có những giải pháp về chính sách tài khóa để nâng tổng cầu lên, tạo động lực cho nền kinh tế.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều khi cũng phải có "tiền tươi, thóc thật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO