![]() |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 7 loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Theo đó, 7 loại hình công việc được bổ sung gồm: giàn giáo, nghề mộc, thi công hệ thống nước, gia công kim loại tấm, giữ nhiệt và làm mát, phun vật liệu cách nhiệt urethane, xây dựng dân dụng ngoài khơi. Các công việc bổ sung này nằm trong lĩnh vực xây dựng, một trong 14 ngành nghề được Nhật Bản cấp visa cho chương trình kỹ năng đặc định.
Trước đó, Nhật Bản công bố 14 ngành được phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định gồm: xây dựng; đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền; sửa chữa bảo dưỡng ô tô; hàng không; lưu trú khách sạn; điều dưỡng; bảo dưỡng cao ốc; nông nghiệp; ngư nghiệp; công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm; dịch vụ ăn uống; ngành công nghiệp gia công cơ khí; ngành chế tạo máy công nghiệp; ngành công nghiệp điện và điện tử. Đây đều là những ngành nghề mà Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trầm trọng.
Ngay sau khi phía Nhật Bản có điều chỉnh mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động kỹ năng đặc định cho thị trường Nhật Bản để doanh nghiệp chủ động triển khai hợp tác với đối tác Nhật Bản.
Khi châu Á trỗi dậy như một trung tâm tăng trưởng toàn cầu, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị thế cường quốc kinh tế bằng cách thu hút nguồn nhân lực trẻ từ khắp nơi châu Á đến lập nghiệp. Lao động nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trẻ đang thực sự góp phần giúp “đảo ngược” đà suy giảm kinh tế của Nhật Bản. Người dân đất nước này không còn lạ lẫm với sự xuất hiện của các lao động nước ngoài. Họ chào đón các sinh viên châu Á đến sinh sống như những người hàng xóm, đến nhà hàng, khách sạn và siêu thị như những người làm việc bán thời gian… Khi các sinh viên này tốt nghiệp, họ có thể đến các doanh nghiệp địa phương để làm việc, thậm chí có thể được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo nếu thực sự có tài năng. Tuy nhiên, Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia rất chặt chẽ trong vấn đề nhập cư. Từ lâu, nhập cư bị xem như một vấn đề “cấm kỵ” ở Nhật Bản, bởi nhiều người nước này đề cao tính thuần nhất dân tộc. Những chính sách mở cửa cho lao động nước ngoài mà chính quyền đưa ra vì thế không tránh khỏi nhiều tranh cãi. Các đảng đối lập cho rằng, việc cho phép ồ ạt lao động nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động, gây sức ép lên các dịch vụ phúc lợi và dẫn tới tỷ lệ tội phạm cao hơn. Theo thống kê, đã có hơn 100 lao động nước ngoài tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến công việc trong vòng 10 năm qua tại Nhật Bản. |