Nhà nước kiểm soát giá để ổn định thị trường

P.V (tổng hợp)| 29/05/2012 07:04

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá. Nội dung đáng chú ý và được tập trung thảo luận là vấn đề danh mục hàng bình ổn giá và hàng hóa do Nhà nước định giá.

Nhà nước kiểm soát giá để ổn định thị trường

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá. Nội dung đáng chú ý và được tập trung thảo luận là vấn đề danh mục hàng bình ổn giá và hàng hóa do Nhà nước định giá.

10 mặt hàng bình ổn giá

Muối ăn là một trong 10 mặt hàng bình ổn giá
Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn (Điều 15) trong dự thảo Luật Giá trình Quốc hội sáng 28/5 liệt kê 10 mặt hàng, gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng (thay cho khí LPG như dự thảo trước); phân đạm (thay cho phân đạm urê như dự thảo trước); vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

Như vậy, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu từ kỳ họp trước đã loại khỏi danh mục trên một số mặt hàng như sắt, thép, xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi, ghế ngồi cứng đường sắt... Đây là những mặt hàng đều đã có thị trường cạnh tranh hoặc việc loại khỏi danh mục sẽ hạn chế việc doanh nghiệp lách luật để được hưởng bình ổn giá khi thị trường gặp khó (như phân urê, khí LPG…).

Tuy nhiên, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục, mà "căn cứ vào danh mục, cơ quan có thẩm quyền (được quy định tại Điều 18) chủ động và chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa nào".

Góp ý vào từng mục hàng hóa bình ổn, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng cần thay tên mặt hàng “phân đạm” thành “phân bón” để mở rộng đến các loại phân NPK, đạm, lân, kali. Các đại biểu cho rằng nếu giá phân bón tăng cao sẽ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Vẫn theo đại biểu Trương Minh Hoàng, cần bổ sung các thuốc bảo vệ thực vật vào danh mục bình ổn.

Trao đổi với các đại biểu trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc mở rộng danh mục, vì sẽ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại” nếu kinh tế vĩ mô bất ổn.

Nhà nước quy định khung giá bán điện

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng đồng thời tạo quyền chủ động cho các doanh nghiệp, Nhà nước quy định khung giá đối với giá phát điện
Tiếp thu các ý kiến đại biểu, dự án Luật đã quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá có mặt hàng điện. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh; đồng thời lại là mặt hàng độc quyền kinh doanh. Trong điều kiện giá điện thường xuyên biến động như hiện nay, việc phải kiểm soát, giữ ổn định giá điện là cần thiết. Các ý kiến phát biểu đều đồng tình với chủ trương này.

Đối với các khâu: phát điện, bán buôn điện, về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

Về giá bán lẻ điện, Nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà nước kiểm soát giá để ổn định thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO