Ngày thứ hai TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16: Nhiều hoạt động "chưa thông" vì giấy xét nghiệm

Lữ Ý Nhi| 10/07/2021 09:22

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ là chủ trương cần thiết và được toàn dân ủng hộ trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang lây lan phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Thế nhưng, sau hai ngày thực hiện vẫn còn một số khó khăn cho  người dân khi mua sắm lương thực, thực phẩm, lưu thông hàng hóa chậm và nhiều người không đến được nơi làm việc.

Ngày thứ hai TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16: Nhiều hoạt động

Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Doanh nghiệp, người lao động gặp khó vì giấy xét nghiệm Covid-19

Sáng 10/7, ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu Global Home gọi điện thoại than phiền: "Hàng chục ban quản lý toà nhà, nhân viên của của Công ty không thể đến được nơi làm việc do bị một số điểm kiểm soát không cho đi lại vì cho rằng, quản lý vận hành nhà chung cư không phải ngành nghề thiết yếu, thực sự cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh. Vì thế, nhiều người lao động phải về nhà. Trong khi đó, khối lượng công việc lớn trong công tác quản lý nhà chung cư vẫn đang bỏ ngỏ".

Theo ông Thành, ngay cả những ngày bình thường thì lượng công việc của nhân viên và ban quản lý tòa nhà chung cơ đã nhiều, và khi có đại dịch lại càng tăng lên gấp bội, ước tính công việc phải tăng lên hơn 50% trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp như việc giám sát, kiểm soát việc thực hiện 5K của người dân sinh sống trong chung cư, phối hợp với ban quản trị phun khử khuẩn khu vực công cộng, hành lang chung, giám sát hoạt động tụ tập đông người, kiểm soát việc đăng ký tạm trú của cư dân và việc cư dân đưa người lạ vào toà nhà.

Đó là chưa kể nếu chung cư có người nghi nhiễm Covid-19 thuộc diện F0, F1… ban quản lý phải phối hợp với chính quyền làm nhiều công việc khác. Rồi phải đảm nhận luôn công việc tiếp tế, hỗ trợ người dân giao nhận lương thực, thực phẩm đối với những người bị cách ly tại căn hộ. Với số lượng hàng nghìn cư dân trong một toà nhà, khối lượng công việc này là cực kỳ lớn.

Ông Thành cho biết thêm, sáng 10/7 tại chốt đường Phan Văn Trị giao Phạm Văn Đồng, việc ra vào cũng được kiểm soát chặt. Nhiều người dân có giấy đi lại do các công ty cấp nhưng không nằm trong danh mục các công việc thiết yếu đều được yêu cầu quay trở lại. Tại chốt đường Nguyễn Thái Sơn cũng tương tự, người dân xếp hàng dài để chờ xuất trình giấy đi lại cho cơ quan chức năng gây ủn tắc giao thông.

Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực nằm trong danh sách mặt hàng thiết yếu nên các nhân viên bán lẻ vẫn được đến cửa hàng làm việc nhưng bà Ngọc Minh - Quản lý chuỗi cửa hàng Thực phẩm hữu cơ Organica cho biết: “Hiện nhiều mặt hàng đang bị thiếu do tình trạng người dân mua tích trữ trong những ngày có thông báo giãn cách. Thế nhưng hai ngày qua, một số mặt hàng thực phẩm, rau củ quả dù đã thu hoạch từ vùng trồng nhưng đang bị “thất lạc” và công ty không nhận được hàng. Lý do được biết là nhiều tài xế chưa có giấy xác nhận âm tính hoặc chưa tiêm vaccine nên phải quay xe về trả hàng hoặc hàng giao chậm do dồn tắc ở quá nhiều các chốt kiểm soát”.

Anh Duy Toàn - Giám đốc Công ty Thực phẩm Duy Anh cũng cho biết, hiện nguyên liệu sản xuất của công ty phụ thuộc vào nguồn từ Tây Ninh nhưng mỗi ngày nhân viên đi giao nguyên liệu, phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính mà chỉ có giá trị trong ba ngày, mỗi lần test là 300.000 đồng. Mỗi chuyến xe đi giao hàng có ba người, một tài xế và hai bốc vác và Duy Anh cũng tương tự như thế khi đi giao hàng cho các đại lý, siêu thị. Chỉ tính 15 ngày giãn cách, chi phí xét nghiệm của các công ty này đã mất gần 5 triệu đồng cho tài xế, giao hàng.

Hàng hóa, giao thông ách tắc

Mặc dù CT 16 nêu rõ các công ty, DN vẫn đảm bảo sản xuất và Sở Công thương cũng cam kết đảm bảm nguồn hàng cung ứng tại các siêu thị. Tuy nhiên, ngay trong ngày 9/7, chỉ là ngày đầu tiên giãn cách nhưng rất nhiều người dân than phiền khi đến siêu thị thì không có đủ các mặt hàng lương thực thực phẩm cần thiết, nhất là rau củ quả, trái cây và thịt, cá…

Ghi nhận của phóng viên vào khoảng trưa ngày 10/7 tại siêu thị VinMart và Aeon City Mart ngay tại chung cư SunriseCity quận 7 cho thấy, các quầy hàng rau củ quả, thịt cá, mì…ở các siêu thị ở đây đều trống trơn. Các nhân viên cho biết: “Siêu thị không thiếu hàng cung ứng nhưng do bị ách tắc khâu vận chuyển từ nhà máy, công ty, nơi cung ứng đến các điểm bán lẻ, nhất là các siêu thị nên siêu thị đang thiếu hàng. Mà cũng chưa biết đến bao giờ mới có”.

Một người quen đang làm nhà vườn ở Đà Lạt cho biết: "Tài xế chở rau, củ quả xuống cung cấp cho TP.HCM thuộc diện được phép lưu hành và có giấy xét nghiệm âm tính nhưng vẫn bị kẹt nhiều tiếng đồng hồ vì dòng xe phía trước không lưu thông được, dẫn đến những xe phía sau cũng bị vạ lây theo".

Chiều 10/7, một tài xế và nhân viên giao hàng của Công ty TM-DV- SX Quỳnh Minh Quân cho biết, trên tuyến quốc lộ 13 đoạn qua Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (giáp ranh giữa TP Thủ Đức, TP.HCM và TP Thuận An, Bình Dương) cảnh ùn tắc kéo dài đang diễn ra vì nhiều chủ phương tiện không có giấy xét nghiệm buộc phải quay đầu xe, dẫn đến hàng trăm ô tô, xe máy ùn tắc ngay chốt kiểm dịch, nhất là các tài xế chở hàng thiết yếu, cán bộ nhân viên đi làm việc... cũng phải chịu cảnh dồn tắc hàng giờ liền.

Mặc dù trước đó ngày 9/7, Sở Giao thông Vận tải đã có công văn hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy nhận diện phương tiện  nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các phương tiện lưu thông trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách theo CT 16. Theo đó, các loại xe được cấp thẻ nhận diện phương tiện qua mã QR, được cấp qua Zalo hoặc email gồm: Ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại; Ô tô từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại; Ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn TP.HCM.

Thế nhưng, do việc cấp giấy còn chậm và tại các chốt kiểm dịch và một số trạm kiểm soát nội vi TP đều yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính hoặc giấy xác nhận tiêm chủng vaccine nên tình trạng dồn ứ giao thông, gây chậm trễ trong việc đi lại, cung ứng hàng hóa vẫn đang diễn ra trong ngày 10/7.

Cũng do quy định phải có giấy xác nhận âm tính nên những ngày qua tại TP.HCM và một số tỉnh thành, rất đông người dân, các tiểu thương đã đổ xô đến các bệnh viện có xét nghiệm nhanh Covid-19 có trả phí để có được giấy xác nhận kết quả âm tính, để được ra vào thành phố hoặc đi làm làm việc tại các đơn vị nhà máy, xí nghiệp. Vì thế đã có ý kiến những người đã tiêm vaccine cũng có thể thay thế cho giấy xác nhận âm tính. Hiện, tại một số siêu thị cũng có yêu cầu phải có giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine, nhưng thực tế không phải DN nào cũng đã được tiêm chủng vaccine. Hoặc có nơi đã được tiêm chủng từ hơn hai tuần nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng. Cụ thể là trường hợp của chính người viết bài đã tiêm vaccine cách đây hai tuần nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận.

Doanh nghiệp đề nghị chủ động thiết bị xét nghiệm

BS Võ Xuân Sơn- Giám đốc Phòng khám Exson cho biết: “Việc xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị tại ngay thời điểm xét nghiệm. Bởi ngay sau đó, nếu người xét nghiệm âm tính tiếp xúc với người đang bị nhiễm Covid-19 chỉ một vài giây vẫn có thể bị nhiễm nCoV. Chưa kể, cũng có người khi lấy mẫu đã nhiễm nCoV nhưng một, hai hôm sau xét nghiệm mới có kết quả dương tính”.

Nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp, TP lại chưa thể tổ chức xét nghiệm hết cho toàn dân thì việc yêu cầu giấy xét nghiệm  hoặc giấy chứng nhận tiêm vaccine cũng là một cách làm cần thiết để loại trừ những nguy cơ mầm bệnh. Song, cách tổ chức thực hiện như thế nào cũng cần các cơ quan, chính quyền địa phương xem xét và nhanh chóng thay đổi cho phù hợp để không làm hạn chế việc cung ứng lưu thông hàng hóa, cũng như một số công ty cần tiếp tục cho nhân viên đi làm các công việc dịch vụ, sản xuất kinh doanh cần thiết nhưng lại không nằm trong danh mục hàng hóa thiết  yếu.

IMG-4580-4756-1625919706.jpg

Ảnh chup tại siêu thị Aeon City Mart tại SunriseCity - Các quầy rau củ quả trống trơn

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit: “Hai ngày nay, mặt hàng rau, củ quả, trái cây của Công ty cũng còn nhiều nhưng việc giao hàng đến siêu thị cũng đang bị chậm hơn bình thường”. Theo ông Viên, thay vì yêu cầu có giấy xác nhận âm tính thì nên tổ chức xét nghiệm có thu phí ngay tại siêu thị cho nhân viên và người đến mua hàng thì hợp lý hơn. Tương tự, tại mỗi DN nên quy định phải tự xét nghiệm cho nhân viên và nếu công ty có F0 thì DN đó phải chịu trách nhiệm". 

Hiện, đã có một số DN cũng đề nghị được chủ động tự bỏ chi phí mua thiết bị xét nghiệm để tổ chức test cho nhân viên mỗi ngày khi đến công ty làm việc. Hay như một số tổ chức, Hội và Hiệp hội như Hiệp hội DN TP.HCM đã phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm y tế  thuộc Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức xét nghiệm nhanh cho các DN có nhu cầu là một đề xuất hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên, vừa giảm chi phí xét nghiệm và cũng là một cách thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ DN. 

Cách làm này sẽ giảm được mối quan ngại việc phải tập trung đông người khi xét nghiệm hoặc tình trạng một số nơi,  đã tổ chức các điểm test nhanh Covid-19 với nhiều giá khác nhau. 

 Để khắc phục tình trạng này, Bộ y tế vừa có văn bản hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực nghiệm xét nghiệm Covid-19. Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế đủ điều kiện được thanh toán bảo hiểm y tế thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí xét nghiệm. Với việc xét nghiệm kháng nguyên phát hiện SARS-CoV-2 trên máy miễn dịch thì tạm thời thu và thanh toán chi phí dịch vụ lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng. Trước  ngày 1/7, chi phí xét nghiệm đối với  đối tượng bảo hiểm y tế được thực hiện theo mức giá 238.000 đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày thứ hai TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16: Nhiều hoạt động "chưa thông" vì giấy xét nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO