Ngành bán lẻ: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

N.BẢO| 01/06/2016 00:18

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chiếm ưu thế trên sân nhà, việc cần làm là phải tạo được tính liên kết, trước hết là liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước.

Ngành bán lẻ: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Cuộc họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 của các sở, ban, ngành TP.HCM đầu tuần này luôn sôi nổi vì việc định vị lại thị trường phân phối trước việc các nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm một số chuỗi siêu thị trên địa bàn Thành phố. 

Đọc E-paper

Ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM đề xuất, Thành phố cần có cuộc họp chuyên đề để tìm hướng đi cụ thể cho doanh nghiệp (DN) nói chung và DN ngành bán lẻ nói riêng. Từ cuộc họp ấy, trên cơ sở lấy ý kiến của cơ quan quản lý, DN sẽ xác định được những hỗ trợ về thị trường, nguồn nhân lực, vốn và kế hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ để có kế hoạch kinh doanh.

Gần đây, Saigon Co.op "chạy đua" với các đối tác ngoại, trong đó có Central Group (Thái Lan) để sở hữu Big C (Tập đoàn Casino, Pháp) nhưng do gặp rắc rối về các thủ tục liên quan đến đầu tư ra nước ngoài nên đành chấp nhận để Central Group, với tiềm lực tài chính mạnh và thủ tục đơn giản giành được quyền mua chuỗi siêu thị này.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, để DN bán lẻ Việt Nam chiếm ưu thế trên sân nhà, việc cần làm là phải tạo được tính liên kết, trước hết là liên kết giữa các DN nhà nước (sở hữu hệ thống phân phối). Ông Tuyến nhấn mạnh, ngay như Satra và Saigon Co.op đã có một đề án liên kết nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ.

Các DN sản xuất, nhà bán lẻ phải liên kết chặt chẽ với những hội đoàn thể nhằm triển khai mạnh chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, từ đó kích cầu tiêu dùng. Đồng thời giữa các địa phương cũng cần có sự kết nối để mở rộng mạng lưới phân phối.

Liên quan đến lĩnh vực thương mại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra sốt ruột. Ông khẳng định sẽ cùng với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp chuyên đề, sẽ tổ chức trong tháng 6 hoặc tháng 7 tới để giải quyết những gút mắc của thị trường bán lẻ, bởi nếu Thành phố không có chiến lược rõ ràng thì khó kiểm soát được thị trường phân phối, một thị trường có tác động rất lớn đến sản xuất và tiêu dùng của DN và người dân.

Ông Phong đồng thời nêu ra những diễn biến cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường phân phối. Theo đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc xem Việt Nam là một trong ba thị trường tiềm năng để khai thác, trong khi đó, Aeon (Nhật Bản) đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành top 3 thị trường bán lẻ trọng điểm của Tập đoàn.

Còn những nhà phân phối có tên tuổi tại Việt Nam như Nguyễn Kim, Big C, Zalora đều đã thuộc về người Thái. "Nếu không bắt tay làm ngay thì sẽ sớm mất thị trường", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Dù "rút lui" trong cuộc đua mua Big C nhưng ít ra Saigon Co.op đã có những kế hoạch mở rộng kinh doanh cụ thể để ứng phó với thay đổi của thị trường sau ngày 11/1/2015 (Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO).

Theo đó, năm 2013, Saigon Co.op cùng với đối tác nước ngoài là Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) công bố mô hình kinh doanh đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam và sau đó là cùng Mapletree (Singapore) phát triển Trung tâm thương mại SC Vivo City.

Còn với Satra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, DN này cũng cần phải có chương trình cụ thể để giữ được lợi thế trên sân nhà.

>Thị trường bán lẻ Việt: Nhìn từ thương vụ Central Group thâu tóm Big C

>Big C Việt Nam: Cuộc đua thâu tóm giữa các đại gia ngoại

>Thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam: Chiến lược của người Thái

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành bán lẻ: Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO