Nên tìm cách thích nghi lâu dài với virus SARS-CoV-2

Phan Nhung| 14/09/2021 09:00

Theo PGS-TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, nên xem Covid-19 là một loại dịch bệnh có thể “lưu hành” như những loại bệnh nguy hiểm khác, từ đó xây dựng hệ thống y tế hiện đại, đội ngũ y tế giỏi chuyên môn để khống chế ở một mức độ nào đó, chứ không thể làm nó biến mất hoàn toàn.

PGS-TS. Lê Thành Đồng

PGS-TS. Lê Thành Đồng

* Ông dự báo thế nào về tiến triển của Covid-19 và thời gian có thể khống chế đại dịch? 

- Dữ liệu hiện nay chưa đầy đủ, chỉ có thể phân tích, dự báo dịch và khống chế dịch trong ngắn hạn. Ở TP.HCM, nếu sau ngày 15/9 có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách triệt để hay không, theo tôi thì chưa thể khẳng định được. Nhưng về mặt chuyên môn, nếu lấy mốc ngày 15/9 để nới lỏng giãn cách thì phải đạt được mức độ nhất định trong việc tìm thêm những ca F0 trong cộng đồng mà các đợt xét nghiệm trước đó chưa phản ánh đầy đủ, từ đó cách ly điều trị tại nhà hay bệnh viện thì mới có khả năng khống chế dịch lây lan.

* Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, theo ông thì nên làm gì?

- Theo tôi, phải chấp nhận Covid-19 là một bệnh “lưu hành” trong dân như những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Để thích nghi, cần xây dựng hệ thống y tế hiện đại cùng với đội ngũ y tế giỏi chuyên môn để sẵn sàng khống chế dịch ở một mức độ nào đó, không nên chống dịch một cách cực đoan với mục tiêu làm cho nó biến mất hoàn toàn, vì không thể được. Chúng ta phải chấp nhận có một tỷ lệ nhiễm bệnh nào đó, có một tỷ lệ tử vong nhất định để lên kế hoạch ứng phó và tìm cách sống chung lâu dài với virus SARS-CoV-2. 

Với tình trạng hiện tại, phải tiếp tục duy trì các giải pháp chống dịch đang có và nếu nới lỏng dần giãn cách thì phải tỷ lệ thuận với số dân được tiêm chủng, đồng thời tăng tốc tiêm chủng thì khả năng từ giờ đến cuối năm 2021, TP.HCM có thể đạt được mục đích mở cửa nền kinh tế và xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

* Ông có thể nói rõ hơn về việc mở cửa nền kinh tế từng bước? 

- Với các bệnh truyền nhiễm thông thường, có thể áp dụng những kinh nghiệm trong nghiên cứu y sinh để đánh giá. Nhưng với virus SARS-CoV-2 và những biến thể của nó, rất khó đánh giá. Để đánh giá cần rất nhiều yếu tố.

SARS-CoV-2 nếu chỉ có biến thể Delta thì có thể đánh giá dựa trên những diễn tiến dịch bệnh vừa qua. Nhưng virus SARS-CoV-2 lại có nhiều biến thể thì khó dự báo được mức độ lây nhiễm của nó. 

Về con người thì phải đáp ứng yếu tố miễn dịch và ý thức phòng, chống dịch thật tốt. Hiện nay, một số thuốc điều trị SARS-CoV-2 có tín hiệu tích cực, khống chế phần nào virus ở giai đoạn 2. Còn hiện tại, với vaccine, kế hoạch tiêm của TP.HCM, nếu đạt được 70-80% dân số sẽ là một bảo đảm miễn dịch cộng đồng. 

Tiếp theo là năng lực của cơ sở thu dung điều trị, mặc dù ca nhiễm vẫn tồn tại nhưng trong khả năng đáp ứng của ngành y tế. Cách phòng dịch, chống dịch vừa qua chưa bài bản. Những số liệu, phân tích về dịch bệnh đến nay chưa có đủ. Việc dự báo mở cửa kinh tế, đưa xã hội trở lại tình trạng bình thường mới phụ thuộc vào các yếu tố trên. Nhưng vấn đề căn cơ là phải xây dựng được nền y tế bền vững, sẵn sàng đáp ứng được các tình huống xấu nhất do đại dịch gây ra. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nên tìm cách thích nghi lâu dài với virus SARS-CoV-2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO