Nền tảng cho tăng trưởng năm 2018

NGUYÊN BẢO| 19/12/2017 04:10

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,7% trong năm 2017 (dự báo trước đó là 6,3%).

Nền tảng cho tăng trưởng năm 2018

Tiêu dùng tư nhân ở mức cao sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh: QH

Cơ sở để WB đưa ra dự báo này là sức cầu mạnh hơn, các ngành chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp từng bước phục hồi. Đây là các yếu tố tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong 9 tháng của năm so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế tạo, dịch vụ lần lượt tăng 7,3% và 12,8% so với cùng kỳ 2016.

Trước đó, nhận định về kinh tế Việt Nam tháng 11, Ngân hàng HSBC cho rằng, ngành du lịch đã tạo được bước ngoặt đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong 9 tháng của năm, tăng 26,5% so với cùng kỳ 2016.

Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đã hưởng lợi từ tăng trưởng du lịch, đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013. Đặc biệt, ngành du lịch đã hỗ trợ cho các ngành vận tải và nhà ở khi ngành vận tải có mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 năm qua.

Tăng trưởng ngành dịch vụ cũng đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam. Điều này rất quan trọng khi áp lực tài khoản vãng lai ngày càng giảm do phải nhập khẩu ngày càng nhiều dầu thô, thiết bị điện tử và máy móc. Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, ngành du lịch Việt Nam được thúc đẩy nhờ vào đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài.

Link bài viết

Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015. Trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu về tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của HSBC đã dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu lượt.

Nói về các yếu tố của nền kinh tế Việt Nam, WB nhận xét, lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu và tiêu dùng tư nhân ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng trợ lực cho ngành nông nghiệp, các ngành chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, theo WB, dù ngành ngân hàng đã có nhiều tiến triển trong việc xử lý nợ xấu nhưng rủi ro vẫn còn tồn tại, như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tín dụng cao. Việc cắt giảm đầu tư công xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 khiến cho WB lo ngại sẽ ảnh hưởng về dài hạn khi Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng.

Theo WB, nhìn về trung hạn, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp. Dự báo này nằm trong chỉ tiêu về tăng trưởng mà Nghị quyết Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 mà Quốc hội vừa thông qua. Theo đó, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam 6,5 - 6,7%.

Liên quan đến mục tiêu này, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, Chính phủ đã có hướng tiếp cận linh hoạt hơn về chỉ tiêu tăng trưởng, thay vì đưa ra con số chính xác để rồi sau đó phải nâng lên hạ xuống theo tình hình thực tế.

Mức tăng trưởng trong khoản 6,5 - 6,7% có thể thực hiện được vì năm 2017, Chính phủ đã tiến hành một loạt giải pháp nhằm cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đây cũng là nền tảng để năm 2018 có những bước phát triển đột phá. Với thông điệp chính phủ kiến tạo phát triển và xem doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, theo TS. Trần Đình Thiên, năm 2018, phải tiếp tục nỗ lực giảm gánh nặng chi phí và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền tảng cho tăng trưởng năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO