Năm 2016, kinh tế Việt Nam cần nâng cao "sức đề kháng"

NGUYÊN BẢO| 26/01/2016 00:29

Có những tiêu chí đánh giá mà Việt Nam xếp thứ hạng thấp trong khu vực ASEAN và là những nhóm vấn đề mà các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần giải quyết ngay trong năm 2016.

Năm 2016, kinh tế Việt Nam cần nâng cao

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), đồng thời cũng là năm khởi đầu cho tiến trình hội nhập sâu rộng, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao khả năng "đề kháng" của nền kinh tế để đáp ứng những yêu cầu mới. 

Đọc E-paper

Mới đây, Bloomberg có bài viết đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, theo đó, với mức tăng trưởng gần 7% trong năm 2015 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động.

Sự tăng trưởng về tiêu dùng cá nhân (tăng 9,3%) và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, tăng 17,4%) là cơ sở để đưa ra dự báo tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2016 này.

Hãng Bloomberg cũng từng đưa ra dự báo, năm 2016, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,7%.

Trong "Báo cáo triển vọng các ngành kinh tế 2016", Hãng Nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), Anh, đã nhìn nhận, đối với ngành bán lẻ, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh số bán hàng ở khu vực châu Á, nhưng các thị trường như Việt Nam và Indonesia mới là tâm điểm của sự chú ý.

EIU cũng nhận định, việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn.

Một phân tích khác của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), cho thấy, thị trường bán lẻ ở Việt Nam có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2016, nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có cơ cấu dân số trẻ.

Đó là chưa kể Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để đón các dòng vốn đầu tư ngoại và nâng giá trị thương mại với các đối tác, thị trường lớn bởi hội nhập ngày càng sâu rộng (là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương,...) bắt đầu từ năm 2016.

Song, theo ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Do vậy, để đón được các cơ hội từ tiến trình hội nhập sắp tới, tự bản thân nền kinh tế Việt Nam phải cải thiện về thể chế, chính sách và nâng cao nội lực.

Suốt 30 năm đổi mới vừa qua, những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã không ngừng được cải thiện, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Điển hình, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GH) của Việt Nam tăng từ hạng 71 (năm 2010) lên hạng 52 (năm 2015), chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong khu vực.

Thêm nữa, cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ nét, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã có trên 300 công trình hạ tầng giao thông được xây dựng và đưa vào khai thác.

Nhờ đó, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về cơ sở hạ tầng nói chung tăng 24 bậc, từ 123/139 năm 2010 lên 99/140 năm 2015.

Trong đó, chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 năm 2010 lên 67/140 năm 2015. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2015, Việt Nam xếp hạng 56/140 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2014 (thứ hạng cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015).

Có những tiêu chí đánh giá mà Việt Nam xếp thứ hạng thấp trong khu vực ASEAN và là những nhóm vấn đề mà các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần giải quyết ngay trong năm 2016, đó là việc tiếp cận tài chính của DN, tính ổn định của chính sách vĩ mô, lao động qua đào tạo, tính chuyên nghiệp của lao động và tính minh bạch của thị trường.

Đây là những mấu chốt để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho DN cả trong và ngoài nước phát triển. Có như vậy, sức cạnh tranh của nền kinh tế mới thực sự được cải thiện.

>Bloomberg: GDP Việt Nam sẽ đứng thứ hai thế giới trong 2016

>Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc ít tác động tới Việt Nam

> Bloomberg: 2016, M&A tại Việt Nam sẽ tăng kỷ lục

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2016, kinh tế Việt Nam cần nâng cao "sức đề kháng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO