Năm 2012 TP.HCM đào 108km đường

22/12/2011 09:25

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, các ban quản lý dự án và các đơn vị cấp nước, thoát nước, điện lực đã đăng ký năm 2012 sẽ thi công 79 công trình đào đường với tổng chiều dài hơn 108 km trên 113 con đường ở 17 quận huyện.

Năm 2012 TP.HCM đào 108km đường

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, các ban quản lý dự án và các đơn vị cấp nước, thoát nước, điện lực đã đăng ký năm 2012 sẽ thi công 79 công trình đào đường với tổng chiều dài hơn 108 km trên 113 con đường ở 17 quận huyện.

>> Khốn đốn vì “lô cốt”
>> “Lô cốt” mọc lên, người dân gánh chịu?
>> Miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng “lô cốt”

“Lô cốt” trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), một công trình thi công quá chậm - Ảnh: THUẬN THẮNG

Đó là các công trình đào đường có quy mô lớn, chưa kể các công trình đào đường có quy mô nhỏ chưa được thống kê. Người dân ở các quận huyện vui mừng vì các “lô cốt” đào đường lắp đặt cống thoát nước rút khỏi khu vực trung tâm TP, nay chắc chắn sẽ ngán ngẩm khi “lô cốt” trở lại.

Lên kế hoạch đào qua năm 2013

Đứng đầu danh sách đơn vị có quy mô đào đường là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch có 41 công trình đào đường với tổng chiều dài 67,7km. Tổng công ty Điện lực TP.HCM có 14 công trình đào đường, chủ yếu là ngầm hóa lưới điện với tổng chiều dài 21,7 km. Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 có 24 công trình đào đường lắp đặt hệ thống thoát nước có quy mô lớn với tổng chiều dài 18,8km.

Theo kế hoạch của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, sẽ thực hiện bốn công trình cải tạo tuyến ống cấp nước cấp 2 tập trung ở khu vực Q.3. Trong đó, thi công đào đường Trần Quốc Toản dài 290m, đường Hai Bà Trưng đoạn từ cầu Kiệu đến Trần Quốc Toản dài 500m, đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thị Minh Khai dài 2,7km, đường Pasteur dài 220m, thời gian thi công các công trình đào đường này kéo dài 3-6 tháng.

Các công trình lắp đặt cống thoát nước chống ngập do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM sẽ triển khai rải đều ở các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong đó, một số công trình có thời gian thi công kéo dài cả năm như công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường An Dương Vương (Q.6, Q.BìnhTân) thi công từ tháng 3-2012 đến tháng 12-2012, đường Hậu Giang - Tháp Mười thi công từ tháng 3 đến tháng 12-2012...

Loại bỏ đơn vị thi công yếu kém

Để công trình thi công đào đường trong năm 2012 tốt hơn so với năm 2011, Sở GTVT sẽ họp với các đơn vị này yêu cầu phối hợp thi công đồng bộ, bảo đảm tiến độ thi công và tránh tình trạng kẻ đào, người xới đường gây bức xúc cho người dân và hộ kinh doanh hai bên đường.

Trong năm 2012, Sở GTVT tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư dự án loại bỏ ngay những đơn vị thi công yếu kém, chây lì và đề xuất UBND TP cấm các nhà thầu yếu kém thi công các công trình ở TP.HCM và yêu cầu các đơn vị có dự án ký quỹ đào đường. Sở sẽ sử dụng nguồn tiền này để xử lý cấp thời mặt đường thi công kém chất lượng mà nhà thầu chậm khắc phục, nhằm đảm bảo cho người dân đi lại an toàn.

Ông ĐẬU AN PHÚC (Trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP.HCM)

Ngành điện lực có quy mô đào đường ở khu vực trung tâm TP kéo dài cả năm 2012 hoặc đến tận cuối năm 2013. Theo kế hoạch của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cả 14 công trình ngầm hóa lưới điện tập trung đào các tuyến đường ở khu vực Q.1 và Q.3.

Một số công trình ngầm hóa lưới điện có thời gian thi công dài nhất gồm: tuyến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Lê Văn Hưu, Công xã Paris, Phạm Ngọc Thạch dài 1.350m bắt đầu thi công tháng 2-2012 và kết thúc tháng 11-2013. Công trình ngầm hóa lưới điện đường Pasteur đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Quốc Toản dài 2.180m thi công từ tháng 3-2012 đến tháng 7-2013 và đường Pasteur đoạn từ Lê Duẩn đến Bến Chương Dương dài 1.580m thi công từ tháng 1-2012 đến tháng 11-2013.

“Không để mặt đường lún sụt”

Ông Trần Hồng Nam, Phó Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết điều quan trọng là trong năm 2012 các nhà thầu thi công phải thực hiện nghiêm túc các quy định về đào đường của UBND TP thì tình hình thi công đào đường ở TP mới được cải thiện.

Theo ông Nam, trong năm 2012 thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm tra xử lý các công trình đào đường. Trong đó, đặt yêu cầu các nhà thầu thi công phải bảo đảm giao thông trên tuyến đường có rào chắn (“lô cốt”). Các nhà thầu thi công phải tuân thủ quy trình thi công lu lèn mặt đường bảo đảm độ nén chặt và phải trả lại mặt đường cho giao thông bằng phẳng, không để tình trạng rào chắn rút đi để lại mặt đường bị lún sụt như hiện nay. Thanh tra sở sẽ cương quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Các cán bộ có trọng trách Sở GTVT TP cho biết hầu hết công trình đào đường chậm tiến độ do vướng nhiều công trình ngầm. Do đó, UBND TP đã lập tổ công tác xử lý công trình ngầm gồm các đơn vị như Sở GTVT, Tổng công ty Cấp nước TP, Tổng công ty Điện lực TP, Bưu điện TP... để nhanh chóng phối hợp xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường. Thế nhưng, các cán bộ sở cho rằng tổ công tác này không hiệu quả vì ngành độc quyền (điện lực, cấp nước, bưu điện...) có quy định riêng. Điều này cho thấy TP vẫn chưa có một “nhạc trưởng” để điều hành công trình đào đường của TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2012 TP.HCM đào 108km đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO